Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách under 30, và Hoàng Tùng – Đồng sáng lập kiêm Bếp trưởng T.U.N.G Dining là một trong 26 người trẻ được vinh danh.
Cử nhân kinh doanh Phần Lan trở thành đầu bếp nhà hàng Việt
Tùng xuất thân không liên quan đến nghề bếp. Anh vốn là theo học kinh doanh tại South-Eastern Finland University of Applied Sciences ở Phần Lan. Chẳng ngờ công việc phụ bếp thời sinh viên lại trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời anh.
Như nhiều du học sinh khác, trong thời gian đi học, Tùng tìm việc làm thêm, mà phụ bếp là một trong những công việc làm thêm phổ biến.
"Trước đó ở Việt Nam, tôi gần như không biết dùng đồ nào liên quan đến bếp, vì ở gia đình, bố mẹ anh sẽ giúp đỡ chuyện bếp núc. Khi bắt đầu đi làm tại một nhà hàng, khi bắt đầu phải làm công việc mà chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được, tôi lại cảm thấy rất thú vị. Ví dụ tôi có thể bắt đầu với việc gọt hành, dù thậm chí ở Việt Nam, tôi còn không biết dùng dao", Hoàng Tùng chia sẻ trong một video với Pháp luật & Bạn đọc.
Việc được trở thành một phần tạo ra món ăn – điều mà trước giờ chưa từng được trải nghiệm, cộng với việc có năng khiếu hơn người, khiến chàng sinh viên đang theo học mảng kinh doanh băn khoăn về con đường sự nghiệp.
Làm kinh doanh hay làm bếp? Đó là quyết định rất khó.
Cuối cùng, Tùng lựa chọn đi theo tiếng gọi của con tim, đi theo đam mê, quyết định theo con đường ẩm thực, và là ẩm thực cao cấp.
Trở về Việt Nam
Làm bếp tại các nhà hàng Michelin có ưu điểm là chỉ quanh quẩn trong căn bếp, trau dồi kỹ năng liên tục dưới trướng những người rất giỏi.
Nhưng quanh quẩn trong căn bếp cũng có một câu chuyện ngược lại, chỉ có mình bạn, không bạn bè, không mối quan hệ, không gia đình, cả ngày chỉ xoay quanh việc bếp núc cùng đồng nghiệp.
Có những buổi sáng, tôi cứ đứng trước gương và tự hỏi: Không biết mình có muốn đi làm hay không?
"Có những khoảnh khắc tôi nghĩ đó có phải cuộc sống thực sự tôi mong muốn – một cuộc sống mà chỉ có công việc? Đôi khi tôi cảm thấy mình không tận hưởng cuộc sống này… Có những thời điểm chúng tôi rất stress, trầm cảm vì công việc áp lực, tốn quá nhiều thời gian".
"Một hôm, tôi ra khỏi nhà hàng lúc 2 giờ sáng, đi bộ ra bến xe bus về nhà. Trong lúc ấy, một ý tưởng lóe lên: Tại sao mình không về Việt Nam, về Hà Nội để làm một nhà hàng mình mong muốn? Nhà hàng ấy mình có thể theo đuổi triết lý ẩm thực của mình, được nấu món ăn của mình, và quan trọng hơn là mình cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày khi đi làm", Tùng chia sẻ.
Trước kia, khi làm bếp, có những buổi sáng anh cứ đứng trước gương tự hỏi mình: Không biết mình có muốn đi làm hay không.
Việc trở về nước ngoài việc tìm kiếm hạnh phúc của mình, còn là để Tùng thực hiện lời hứa với một người bạn, rằng cùng trở về Việt Nam mở nhà hàng mà bọn họ cùng mơ ước.
Chuyện về nước ngày ấy, Tùng tóm gọn bằng từ "phức tạp", "mang nhiều mồ hôi và nước mắt". Không ai, kể cả người bạn thân nhất của anh, tin rằng quyết định của anh là đúng đắn.
"Họ nghĩ tôi điên! Tại sao lại mở cửa hàng ở Việt Nam, ở Hà Nội với tasting menu (menu thưởng thức – PV)? Tại sao lại mở nhà hàng khi biết chắc chắn thất bại?"
"Tôi có quan điểm rất khác. Tôi có ước mơ rất lớn, ước mơ này tôi thấy cả cơ hội và thách thức. Mọi người hỏi tôi có kế hoạch dự phòng (back up plan) không, nhưng thực sự tôi nghĩ kể cả nếu tôi có thất bại thì ít nhất tôi đã thử. Còn nếu chưa thử mà nghĩ đến thất bại là tôi thất bại hoàn toàn rồi", Tùng chia sẻ tại một hội thảo về F&B mới đây do Vietcetera tổ chức.
Bên cạnh việc muốn thay đổi quan điểm về ẩm thực, Tùng cho biết, anh cũng muốn thay đổi quan điểm mọi người suy nghĩ về người đầu bếp. Khi đến một nhà hàng, thường mọi người chỉ biết đến tên nhà hàng, cùng lắm là tên chủ nhà hàng, chứ không biết tên đầu bếp.
"Cho nên, tôi đặt tên nhà hàng của tôi là T.U.N.G Dining. Khi mọi người nghĩ đến nhà hàng của tôi hãy nghĩ đến đầu bếp, đó là tôi. Tôi là Tùng", Tùng nói.
Ra đời năm 2018, đến năm 2021, T.U.N.G Dining lọt Top 100 nhà hàng xuất sắc nhất Châu Á. Bên cạnh T.U.N.G Dining, Tùng cũng sở hữu một nhà hàng khác với thương hiệu Å by TUNG.
Tasting menu là một menu mang tính thưởng thức, gồm các món ăn được phục vụ theo khẩu phần nhỏ, phục vụ mục đích nếm nhiều hơn là ăn no. Theo Tùng, tasting menu là dạng ẩm thực cao nhất, khi mọi người có thể có sự trải nghiệm với các giác quan của cơ thể từ không gian, màu sắc, mùi vị, hương thơm… Tất cả hòa quyện lại tạo thành một chuyến đi của các giác quan chứ không chỉ đơn thuần về món ăn.
"Sớm hay muộn, ẩm thực cao cấp, đặc biệt menu thưởng thức sẽ rất phát triển", Tùng khẳng định.