Sau mỗi sự vụ tiêu cực, tin đồn như “nấm mọc sau mưa”
Những tin đồn theo chiều hướng tiêu cực gây ra tác động không hề nhỏ đến hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý hơn, khi lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán ngày một nhiều hơn, không ít là những người mới, nhà đầu tư F0 còn thiếu kinh nghiệm.
Giống như cách nhà đầu tư F0 FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) khi cổ phiếu tăng giá, các tin đồn được lan rộng hơn trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán trong những phiên giảm sâu như cách giải thích vì sao thị trường đi xuống. Như vậy, những tin đồn, tin giả ảnh hưởng đến quyết định giao dịch và có thể “khơi ngòi” cho làn sóng bán tháo.
Sức ảnh hưởng lớn nhất của các tin đồn thất thiệt được nhìn thấy rõ nhất trong những phiên giao dịch gần đây. Sau khi hai vị chủ tịch Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và Tân Hoàng Minh cũng loạt lãnh đạo liên quan bị bắt tạm giam với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ, tin đồn, tin giả nở rộ như “nấm mọc sau mưa”.
Những thông tin trên xuất phát từ mạng xã hội qua các tài khoản facebook cá nhân, lan truyền qua các hội nhóm nhà đầu tư chứng khoán. Hệ quả là hàng loạt cổ phiếu của các công ty liên quan đến tin đồn đã giảm kịch sản như GEX, VGC, IDC, KBC, HSG… Hiệu ứng bán sàn lan tỏa sang nhóm bất động sản khiến loạt cổ phiếu ngành này mất giá 20 – 30% chỉ trong ít phiên.
Trong ba phiên giao dịch (6/4, 7/4 và 11/4), VN-Index giảm gần 70 điểm, thổi bay 267.849 tỷ đồng (khoảng 11,7 tỷ USD) vốn hóa của sàn HOSE. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của các tin đồn đến thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã phải vào cuộc và cho biết thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân đưa sử dụng mạng xã hội đăng tài thông tin thất thiệt, chưa dược kiểm chứng, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có công diện về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo công điện, “Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.”
Trả lời báo chí, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Chứng khoán, UBCKNN vừa cho biết UBCK sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn trỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.
Cần phải sửa quy định, nhìn lại hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR)
Đó là những động thái của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ phía các doanh nghiệp, một số công ty liên quan đến tin đồn đã phát đi những thông báo về hoạt động hết sức bình thường của mình. Những thông tin trên dù sớm hay muộn cũng đang góp phần trấn an tâm lý của những nhà đầu tư, cổ đông giúp ổn định thị trường.
Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận rằng những tin đồn đã mang đến những tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Những thiệt hại với nhà đầu tư là có và đây không phải lần đầu. Trước đó, những tin đồn về bắt bớ lãnh đạo ngân hàng từng xuất hiện. Tới đây, câu hỏi đặt ra vì sao tin đồn, tin giả luôn có “đất sống”?
Bàn luận về chủ đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng tin đồn có đất sống bởi có “môi trường tốt” để tồn tại. Hai nguyên nhân chính bao gồm luật định và hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR).
Góc nhìn từ vị chuyên gia này, về luật, hoạt động công bố thông tin được quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Thông tư này quy định rất rõ nhưng có vẻ chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng.
Vì vậy, các nhân vật có liên quan tới tin đồn này cũng không có cơ sở nào để chủ động công bố thông tin nhằm dập tắt tin đồn hay đính chính cho cá nhân khỏi luồng lo ngại của dư luận hiện tại.
“Sự lỗi thời này có lẽ Bộ Tài Chính cũng nhìn thấy và sẽ có thông tư sửa đổi bổ sung để phù hợp và kịp thời với tình hình mới của truyền thông và thông tin”.
Song, ông Tuấn cho rằng khía cạnh trọng yếu hơn và trách nhiệm hơn trong trường hợp này thuộc về bộ phận quan hệ nhà đầu tư (Investor Relationship – IR) của các công ty niêm yết.
“Nhiều năm qua bộ phận này vẫn chưa được các công ty nhìn nhận trọng yếu và thái độ ứng xử còn hời hợt và qua loa. Phải hiểu rằng đây là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh và thuận tiện, làm tốt sẽ ghi điểm và tối ưu hoá được nhiều giá trị và lợi ích từ phía ban lãnh đạo cũng như từ phía nhà đầu tư.
Chỉ cần một hành động công bố thông tin trên các công thông tin của doanh nghiệp như fanpage, website thì mọi chuyện đâu sẽ vào đó”, ông Huỳnh Minh Tuấn nói.
Kết lại vấn đề, ông Tuấn đánh giá sự vụ tin đồn lần này không những là thiệt hại riêng của những doanh nghiệp mà còn chỉ ra những mặt cần cải thiện về luật, quản trị doạn nghiệp, IR và truyền thông rất rõ ràng.