Chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Đại sứ quán Mỹ còn có sự hiện diện của Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, Trưởng phòng kinh tế Alex Tatsis, viên chức kinh tế Caitlin Cassot.
Tham quan Nhà máy sữa Cần Thơ, Đại sứ Marc Evans Knapper đánh giá cao sự phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng của ngành sữa Việt Nam, cũng như sự tăng trưởng của Vinamilk ngay giữa bối cảnh Covid-19 nhiều biến động. Ông cho biết, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, thì sự năng động trong hoạt động xúc tiến thương mại và nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần gia tăng hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ thời gian qua. Vinamilk đã có nhiều hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ thông qua việc nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên liệu, bò sữa từ Mỹ cũng như đầu tư nhà máy chế biến sữa tại Mỹ trong nhiều năm qua.
"Chúng tôi cảm thấy tự hào về sự hợp tác chặt chẽ này và tin rằng điều này sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm chất lượng, đồng thời tạo ra những cơ hội giao thương tốt cho doanh nghiệp, nông dân Mỹ", Đại sứ Marc Evans Knapper nói.
Vinamilk hiện có một hệ thống gồm 16 nhà máy và 14 trang trại chuẩn quốc tế đặt tại cả trong và ngoài nước. Trong đó, Nhà máy sữa tại Cần Thơ được đưa vào vận hành năm 2001 trên diện tích hơn 2 hecta, chuyên sản xuất sữa tươi tiệt trùng, sữa đặc, sữa chua, kem, với tổng công suất đạt khoảng hơn 202.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Theo ông Phạm Minh Dương, Giám đốc Nhà máy sữa Vinamilk tại Cần Thơ, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng trước những biến động của dịch bệnh, Nhà máy vẫn đảm bảo liền mạch chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất hàng chục tấn sữa tươi mỗi ngày cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận, nhờ vào các biện pháp ứng phó chủ động với Covid-19 như "3 tại chỗ", tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ-công nhân viên, bảo vệ sức khỏe của người lao động trong đại dịch. Ngay trong thời điểm dịch bùng mạnh, Nhà máy sữa tại Cần Thơ vẫn duy trì sản lượng 40-50 triệu sản phẩm mỗi tháng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Điều hành Vinamilk đại diện công ty giới thiệu với Đại sứ Marc Evans Knapper các hoạt động và thành tựu của Vinamilk trong những năm qua. Với quyết tâm phát triển ngành sữa Việt Nam và mang câu chuyện "Giấc mơ sữa Việt" vươn tầm thế giới, Vinamilk đã liên tục đầu tư trang thiết bị, công nghệ vào hệ thống trang trại - nhà máy, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như FDA, Organic... Vinamilk đã đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thị trường trong nước và quốc tế bằng hơn 250 loại sản phẩm thuộc gần 20 nhóm ngành hàng như sữa nước, sữa bột, sữa đặc, sữa chua, nước trái cây, sữa hạt...
Tại Việt Nam, Vinamilk là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất 10 năm liền, dẫn đầu nhiều ngành hàng lớn như sữa bột trẻ em, sữa nước... Còn tại thị trường quốc tế, Vinamilk đang đứng trong Top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Plimsoll (Anh). Sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 57 quốc gia, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế hơn 2,6 tỷ USD.
Riêng với thị trường Mỹ, Vinamilk đang sở hữu một nhà máy sản xuất sữa Driftwood tại bang California. Công ty còn xuất khẩu sang xứ sở cở hoa sản phẩm sữa đặc và creamer đặc dưới thương hiệu Driftwood. Vinamilk hiện nhập sữa bột nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất sữa bột trẻ em và người lớn. Ngoài ra, công ty cũng nhập bò sữa giống và các trang thiết bị công nghệ chăn nuôi bò sữa từ Mỹ. Tính từ năm 2019 đến cuối năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ là hơn 306 triệu USD.
Kết thúc chuyến thăm, đoàn công tác của Đại sứ quán Mỹ và Vinamilk đều bày tỏ sự lạc quan về cơ hội hợp tác giữa Vinamilk và các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần - khi các hoạt động giao thương quốc tế được thúc đẩy trong thời kỳ "bình thường mới".