Kể từ ngày 24/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, hơn một nửa trong số 4,5 triệu người tị nạn đã đến nước láng giềng Ba Lan - nơi có cộng đồng người Ukraine lớn nhất trong khu vực.
Marcin Janczuk tại công ty bất động sản Metrohouse Franchise (Ba Lan) cho biết thị trường nhà ở thương mại nước này sẽ phải tăng thêm ngay lập tức nửa triệu căn hộ để đáp ứng nhu cầu của người tị nạn. Giá thuê nhà tại các thành phố lớn nhất của Ba Lan cũng đã tăng 20% so với hồi đầu năm, theo ước tính của Metrohouse Franchise.
Các nước châu Âu đang thể hiện sự đoàn kết với người tị nạn thông qua việc tìm cho họ chỗ ở miễn phí hoặc giá rẻ tại nhà riêng, nhà trọ khẩn cấp. Những người này cũng được hứa hẹn nhận được sự giúp đỡ để có việc làm và đến trường. Hầu hết họ là phụ nữ, trẻ em và người già.
Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine còn kéo dài và chưa rõ thời điểm người tị nạn sẽ rời đi. Do vậy, nhu cầu về nhà ở dài hạn đang ngày càng tăng.
Sebastian Wunsch đến từ Viện nghiên cứu nhà ở GEWOS cho biết nhu cầu nhà tại Đức có thể tăng khoảng 200.000 - 400.000 căn vì những người Ukraine đến đây hầu hết là ở các thành phố đã quá đông dân cư.
Năm 2015, khi Đức tiếp nhận 1 triệu người trong khủng hoảng tị nạn châu Âu, giá thuê nhà tại quốc gia này đã tăng 3,5% giai đoạn 2015-2018, cao hơn so với mức 2,5% hồi 2011-2014.
Chính phủ Czech ước tính, 300.000 người tị nạn Ukraine đã nhập cảnh vào quốc gia 10,7 triệu dân này. Các công ty bất động sản đều dự báo nhu cầu thuê nhà tăng vọt.
Dù giá nhà và tiền thuê nhà đều chịu áp lực tăng, ở chiều ngược lại, nhiều dữ liệu cho thấy dòng người tị nạn cũng mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia đón tiếp họ. Đó là có nhân lực, tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh và nộp thuế.
(Theo Reuters)