Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh.
Trong đó, VAFI đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các tổ chức đầu tư trái phiếu. Nếu trái phiếu phát hành có lãi suất huy động trên 10%/năm thì chi phí thuế TNDN chiếm khoảng 2%/năm, còn trái phiếu có lãi suất huy động dưới 10%/năm thì chi phí thuế TNDN khoảng 1,5%. Nếu miễn loại thuế này thì lãi suất huy động cũng gần như được giảm tương ứng thêm 1,5%- 2%/năm. Việc miễn thuế này không làm lợi cho tổ chức mua trái phiếu mà chỉ có lợi cho tổ chức phát hành, trong đó hưởng lợi nhất là trái phiếu Chính phủ vì Nhà nước là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu.
Theo VAFI, nếu đứng trên bình diện kinh tế vĩ mô thì lãi suất cho vay giảm, hệ thống các doanh nghiệp được giảm chi phí đi vay và từ đó kích thích nền kinh tế phát triển mạnh hơn. Ngân sách nhà nước cũng có thể giảm 1 phần nhỏ từ thuế thu nhập về lãi trái phiếu nhưng trên quan điểm chi phí lợi ích thì Nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn mà thu được lợi ích gấp 100 lần.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng cho rằng nên miễn thuế cho nhà đầu tư cá nhân. Bởi từ trước tới nay tiền gửi tiết kiệm của khu vực dân cư không bị đánh thuế nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu thì phải chịu thuế lợi tức ở mức 5%/năm và chịu thuế chuyển nhượng trái phiếu 0,1% trên giá trị giao dịch. Chính vì bất cập này nên việc đầu tư vào trái phiếu kém hấp dẫn hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn.
Ngoài ra, về phương diện kinh tế vĩ mô thì cần nhiều giải pháp để hệ thống ngân hàng thương mại dễ dàng huy động vốn dài hạn và cho vay dài hạn, đồng thời nguồn vốn huy động dài hạn phải nhiều thì sẽ góp phần giảm lãi suất phát hành trái phiếu dài hạn và từ đó góp phần hạ mặt bằng huy động vốn và từ đó lãi suất cho hệ thống doanh nghiệp vay dài hạn sẽ được giảm.
Đề xuất miễn thuế là bất hợp lý
Trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất trên bất hợp lý vì tiền lãi là thu nhập của nhà đầu tư nên tất cả thu nhập đều phải chịu thuế. Nếu miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ tạo ra sự bất công vì trái phiếu là nguồn thu cho trái chủ, trong khi cổ đông phải đóng thuế khi nhận cổ tức. Về lâu về dài, đề xuất này sẽ tạo ra sự không công bằng, tạo ra sự thất thu cho nhà nước.
Theo ông Hiếu, việc miễn các loại thuế về kinh doanh trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức không phải là giải pháp vực lại thị trường trái phiếu. Vì vấn đề căn cơ của thị trường trái phiếu hiện tại là nhà đầu tư mất niềm tin.
"Đề xuất miễn thuế TNDN có thể tạo ra tác động nhưng không làm vực lại thị trường trái phiếu. Vì điều cần nhất của thị trường trái phiếu hiện nay là niềm tin của nhà đầu tư, còn điều cần nhất của nhà đầu tư là khi bỏ tiền ra đầu tư sẽ nhận về cả gốc và lãi", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra một số bất cập của thị trường trái phiếu hiện nay là khi nhà phát hành bị điều tra thì các hoạt động liên quan đến trái phiếu dường như bị đóng băng, điều này khiến nhà đầu tư bất an về khoản đầu tư của mình.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá, đề xuất miễn thuế TNDN cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức là không hợp lý. Điều này sẽ tạo ra sự không công bằng cho các hoạt động kinh doanh nói chung, kinh doanh chứng khoán nói riêng.
Hơn nữa, theo ông, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì nên để vận hành phát triển theo thị trường, không thể cứ thấy khó khăn lại đề nghị Nhà nước giảm thuế.
Còn ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam lại cho rằng, nếu đề xuất trên được thực thi thì chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, có thể từ nay cho đến hết năm 2023 hoặc đến quý I/2024 để cải thiện thanh khoản cho thị trường. Nếu kéo dài sẽ không hợp lý vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến ngân sách và không tạo ra sự công bằng cho các loại hình đầu tư khác.