Xã hội

Đề xuất chuyển 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp từ 2026

Sáng 20.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp.

Đề xuất chuyển 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp từ 2026- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội đề nghị chuyển 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp từ 2026

ẢNH: GIA HÂN

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội cho biết, hiện khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và 940.000 doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ rất lớn trong khu vực này.

Tuy nhiên, luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo luật sửa đổi lại chưa đề cập đến việc cải cách mô hình kinh doanh đã được Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị (về phát triển kinh tế tư nhân). 

Theo bà Hà, Nghị quyết 68 đã xác định rất rõ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Bà Hà nói, từ sau luật Doanh nghiệp năm 2005, Nhà nước nhiều lần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, song số lượng hộ kinh doanh vẫn tăng.

Nguyên nhân chủ yếu, là các hộ kinh doanh đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, không quản lý chặt chẽ về chứng từ kế toán, và mức xử phạt vi phạm hành chính của hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với doanh nghiệp.

"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng lại có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỉ đồng, thì chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của luật Doanh nghiệp", bà Hà nhấn mạnh, cho rằng, đây là một bất cập nghiêm trọng cần được xử lý.

Cùng đó, theo bà Hà, hiện luật Doanh nghiệp hiện vẫn phân biệt 2 nhóm doanh nghiệp: một là công ty (doanh nghiệp có tư cách pháp nhân) và một nhóm là doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân).

Điều này dẫn đến tình trạng một số quy định trở nên quá lỏng lẻo với công ty nhưng lại quá ràng buộc với doanh nghiệp tư nhân khi nhiều quy định được thiết kế theo logic của công ty.

Từ đó, bà Hà kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026 như Nghị quyết 68.

Cùng đó, bà Hà cũng kiến nghị cần ban hành luật Doanh nghiệp tư nhân mới, thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân hiện tại, để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.

Luật này cần được thiết kế theo nguyên tắc, thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp hơn công ty; miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định. Đồng thời, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, bảo đảm công bằng và minh bạch.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát cũng đề nghị đổi tên luật Doanh nghiệp thành luật Công ty (sau khi đã tách doanh nghiệp tư nhân); tránh áp dụng chung một khung pháp lý cho hai mô hình hoàn toàn khác biệt về tư cách pháp lý và trách nhiệm tài sản.

Mở rộng viên chức được tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp

Liên quan tới quy định cho phép viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bà Hà cho rằng, quy định này đang mâu thuẫn với dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Theo đó, tại dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định, viên chức tại tất cả tổ chức khoa học, công nghệ công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp.

"Không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học và công nghệ và ngược lại", bà Hà lưu ý.

Từ đó, đại biểu TP.Hà Nội kiến nghị, dự thảo luật cần điều chỉnh để mở rộng đối tượng viên chức được phép tham gia góp vốn quản lý, điều hành doanh nghiệp, phù hợp với dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong báo cáo tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết Nghị quyết 68 nêu rõ quy định cho phép: viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tại dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã quy định đối tượng viên chức làm việc tại tổ chức khoa học, công nghệ được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp. Còn viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập thì chưa được quy định tại luật. Do đó, Chính phủ đã quy định tại dự thảo luật này. 

Các tin khác

Lý do dự án đường nghìn tỷ ở Hà Tĩnh thi công "nhảy cóc"

Tuyến đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đến cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng kết nối, phát triển khu kinh tế phía nam Hà Tĩnh, song do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”.

Toàn cảnh mùa ĐHĐCĐ ngành chứng khoán 2025: Những con số lợi nhuận nghìn tỷ và chiến lược dài hơi

Sau năm 2024 khởi sắc trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào mùa đại hội cổ đông 2025 với kỳ vọng lặp lại chu kỳ tăng trưởng mới. Hàng loạt kế hoạch lãi nghìn tỷ, chiến lược tái cấu trúc và nâng chuẩn vận hành đã được các công ty chứng khoán (CTCK) công bố.

Từ vụ sập sàn tiền ảo đến “đế chế” mới của gia đình ông Trump: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Sau khi nền tảng tiền mã hóa Dough Finance bị hack và khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng, hai nhà đồng sáng lập của nó – Chase Herro và Zak Folkman – bất ngờ tái xuất với một dự án mới bắt tay cùng gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong lúc các nạn nhân vẫn đi tìm công lý, những người đứng sau Dough lại kiếm bộn tiền từ “đế chế crypto” mới.

Khởi tố vụ án tại BVĐK và CDC Bình Thuận

Ngày 20.5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2020 - 2021.