Góp ý về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng tại phiên thảo luận chiều 20/11, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau đề xuất nên kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng cả năm 2024 thay vì chỉ đến ngày 30/6/2024.
Theo đại biểu, năm 2024 dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng tăng nhu cầu tiêu dùng.
Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập việc làm và niềm tin tiêu dùng chứng tỏ giảm thuế giá trị gia tăng đã phát huy giá trị cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.
Hơn nữa, đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 vì đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.
Mở rộng đối tượng giảm thuế
Đồng quan điểm cần mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng tình hình kinh tế - xã hội hiện nay rất khó khăn, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43 cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán….
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Theo đại biểu, phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết như phạm vi áp dụng của Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - xã hội hiện không còn phù hợp.
"Bối cảnh ban hành Nghị quyết số 43 là thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết số 43 chỉ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Nhưng đến nay, nhiều nhóm ngành khác cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề", đại biểu Mai cho biết.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng cho rằng nên áp dụng một cách dài hạn hơn, thay vì áp dụng 6 tháng. Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng. Trước đây, khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm người dân đang gặp khó khăn nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng mà người dân hay sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng giảm thuế này có lợi trực tiếp nhưng người dân cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Thu ngân sách không đảm bảo thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Ngân sách có thể hụt thu 25.000 tỷ đồng
Trước đó, trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết qua 4 tháng thực hiện (tháng 7 - tháng 10/2023), chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15.6000 tỷ đồng.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Theo Bộ trưởng, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước từ việc giảm thuế giá trị gia tăng là 4.175 tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Bù lại, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.