Thời sự

"Để dòng vốn từ thượng nguồn chảy được đến hạ nguồn, đầu tư công phải là trụ cột"

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế lại rơi vào tình trạng ứ đọng tiền. Dù Chính phủ đã nỗ lực để để dòng vốn từ “thượng nguồn” chảy được đến “hạ nguồn” là các doanh nghiệp và người dân nhưng dòng tiền vẫn bị những nút chặn nên khó có thể lưu thông.

Bàn về giải pháp để tháo những "nút chặn" tạiToạ đàm: Khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế do VTV tổ chức tối 23/8, ông Phạm Văn Thịnh, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cả NHNN và Chính phủ đều đang nỗ lực để dòng vốn "chảy" từ thượng nguồn đến hạ nguồn, song muốn dòng chảy được thông suốt đầu tiên cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đây là một trụ cột cho tăng trưởng.

Giải ngân vốn đầu tư công phải là trụ cột

Ông Phạm Văn Thịnh, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo thống kê, cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư của các khu vực ngoài nhà nước, tăng được 1% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo GDP tăng 0,06 điểm %. Đây là những con số cho thấy tầm quan trọng của dòng vốn này, nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn khác đều bị "tắc" như giai đoạn hiện nay.

Mặc dù, giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã hơn hẳn các năm trước về giá trị và tốc độ giải ngân song vẫn còn khoảng 500.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được giải ngân, đây là một động lực quan trọng là sức mạnh nội tại của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là bài toán khó giải của Chính phủ, ngày 18/8, Thủ tướng đã có công điện về việc giải ngân vốn đầu tư công trong đó có nêu rõ năm nay sẽ đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Vì vậy, để giải ngân được vốn đầu tư công cần siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu và thứ hai là cần đi vào tháo gỡ khó khăn của từng vấn đề cụ thể, đây là trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.

"Các chủ đầu tư và các cấp cần phải có cơ chế để gặp gỡ và nghe doanh nghiệp đóng góp, kiến nghị một cách trực tiếp. Chỉ khi nào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương ý thức được nếu con đường làm xong sớm lên một ngày, doanh nghiệp rút ngắn được thời gian vận chuyển thì sẽ mang lại bao nhiêu lợi ích cho nền kinh tế", ông Thịnh nói. 

Đối với những cán bộ công chức sách nhiễu, gây cản trở đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ bị thay thế. Đây là áp lực để buộc các cán bộ công chức chung tay cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp, ôngTrần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho hay, các doanh nghiệp đang trông chờ rất nhiều vào hàng trăm nghìn tỷ vốn đầu tư công này. Việc giải ngân vốn đầu tư công mang đến tác động không chỉ riêng ngành xây dựng - một ngành gần như dừng lại do bất động sản đóng băng mà là hệ thống cơ sở hạ tầng cho rất nhiều lĩnh vực khác.

Đơn cử như với doanh nghiệp xuất khẩu, hiện chi phí logistics của Việt Nam rất lớn. "Có rất nhiều tuyến đường vận chuyển hàng hoá còn khó khăn dẫn đến nhiều khi thời gian vận chuyển ra cảng bằng thời gian hàng hoá đi Nhật Bản. Các doanh nghiệp rất mong muốn những dự án này được đầu tư", ông Việt Anh nói.

DN mong muốn lãi suất quay lại như thời 2020

Toạ đàm: Khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. (Ảnh chụp màn hình).

Với nguồn vốn tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất và liên tiếp yêu cầu các tổ chức tín dụng hạ lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Ngày 14/8, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và khoản vay còn hiện hữu với mức giảm tối thiểu từ 1,5-2%.

NHNN cũng có các chỉ đạo để tăng khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, tuy nhiên để có đánh giá tín nhiệm thì thông tin cung cấp cho tổ chức tín dụng phải minh bạch, đầy đủ nhất là thông tin tài chính dòng tiền đầu vào, đầu ra.

Bà cũng đánh giá hiện tỷ lệ vốn tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở ngưỡng khá cao so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, cần thu hút dòng vốn FDI để một mặt vừa đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, một mặt cũng làm giảm áp lực lên nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đánh giá lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều, giảm khoảng 3% so với năm 2022, tuy nhiên ông Việt Anh cho rằng, lãi suất đã hạ nhưng chưa thể thấp như giai đoạn 2020 trong khi từ sau dịch COVID-19 thị trường của doanh nghiệp co hẹp đáng kể.

Giá thành sản phẩm không những không tăng mà thậm chí còn giảm đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận thu hẹp, không đủ trả lãi tín dụng. "Doanh nghiệp mong muốn quay về mức lãi suất như thời kỳ năm 2020 bởi hiện nay chi phí lãi suất vẫn cao hơn cao hơn 2020 trong khi dòng tiền về và thị trường lại thấp hơn 2020", ông Việt Anh bày tỏ. 

Dù vậy, theo ông các doanh nghiệp cũng phải tự cân đối lại mình, kiểm tra, lên kế hoạch cho chính mình để vạch ra kế hoạch cho 4 tháng cuối năm và cho cả năm 2024 để có thể phục hồi và phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm