Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2024, cả nước có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng qua lên tới 53.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến một lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường theo các chuyên gia là do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, thị trường xuất khẩu thu hẹp lại, sức cầu yếu. Ở trong nước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiêu dùng yếu ngay cả trong giai đoạn áp Tết.
Một yếu tố kỹ thuật khác là thông thường tháng 1, giai đoạn trước Tết Nguyên đán luôn là tháng có tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cao để tránh phải chi trả các khoản thuế, phí của năm tiếp theo. Dù vậy, nguyên nhân chính vẫn là tình trạng khó khăn của nền kinh tế.
Người lao động mất việc, giảm thu nhập
So với mọi năm, thông thường giai đoạn sát Tết Nguyên đán hoạt động tiêu dùng diễn ra sôi nổi nhưng năm nay thị trường có vẻ trầm lắng, nhiều doanh nghiệp chiết khấu cao để xả hàng tồn, thu hồi vốn vẫn kém khách.
Thu nhập sụt giảm, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, triển vọng kinh doanh không rõ ràng là những nguyên nhân khiến người dân có xu hướng tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, từ đó lại đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh không hiệu quả, giảm đơn hàng; thị trường có nhiều biến động nhưng cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn vào cuối năm chỉ còn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với hồi đầu năm. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, doanh nghiệp này bớt 1.828 việc làm.
Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Garmex Sài Gòn mà còn ở nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công vốn thâm hụt lao động. Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, doanh thu sụt giảm thì cắt giảm phần lớn nhân sự hoặc tạm dừng hoạt động được coi là giải pháp ngắn hạn được nhiều doanh nghiệp sử dụng.
Kết quả khảo sát Báo cáo Lương và triển vọng thị trường lao động năm 2024 do Navigos vừa phát hành, có đến 454/555 doanh nghiệp cho biết đang ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm hơn 82%.
Đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất chính là cắt giảm nhân sự, với gần 69% bình chọn.
Hay với ngành bán lẻ, trong năm qua hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đóng tổng cộng 206 cửa hàng. Nếu so với thời điểm đạt đỉnh về số lượng nhân sự của Thế Giới Di Động vào cuối quý III/2022 (80.231 người) thì đến nay doanh nghiệp này đã cắt giảm gần 15.000 nhân sự.
Những doanh nghiệp lớn phải đóng hàng trăm cửa hàng thì những doanh nghiệp nhỏ cũng bị rơi vào tình trạng khó khăn, thu không đủ chi. Đó là chưa kể đến số hộ kinh doanh chưa đăng ký doanh nghiệp phải dừng hoạt động, trả mặt bằng.
Mở đường đón doanh nghiệp kinh doanh trở lại
Nhìn vào con số thống kê có tới 43.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trên tổng số 53.900 rút lui khỏi thị trường đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đang bị tê liệt hoạt động vì bối cảnh khó khăn bên ngoài.
Muốn nhóm doanh nghiệp này trở lại hoạt động thay vì rút lui hoàn toàn khỏi thị trường rất cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cho thấy, có đến 72,8% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô, ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh chờ giải thể là 11,8%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; chỉ 18,1% giữ nguyên quy mô. Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng quy mô chỉ đạt 8,3%, trong đó chỉ 1,5% dự kiến mở rộng quy mô mạnh mẽ.
Vì vậy, Ban IV kiến nghị Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
"Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm COVID-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế", báo cáo từ Ban IV nêu rõ.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Chính phủ có thể sẽ gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế.
Dự báo được đưa ra sau khi chứng kiến sự yếu ớt của lĩnh vực tiêu dùng trong tháng đầu năm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ đạt 5,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất được ghi nhận trong tháng 1 kể từ năm 2013 đến nay (không bao gồm giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (2021-2022).