Đó là chia sẻ của anh Đào Mạnh Hùng (SN 1988), trú tại khu 9 xã Lam Sơn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) về quyết định rời phố về quê khởi nghiệp của mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, học hết lớp 12, anh Hùng tới Hà Nội để làm công nhân. Trải qua nhiều công việc khác nhau, bỏ sức lao động ra nhưng tiền công nhận được không được là bao nên có bao nhiêu tiền anh lại tiêu hết bấy nhiêu.
Sau gần 10 năm đi làm thuê, anh Hùng quyết định về quê khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đến năm 2015, sau thời gian làm việc cho một công ty cây xanh, anh Hùng nhận ra niềm đam mê với cây cối, đặc biệt là hoa hồng. Trong khi đó, mô hình trồng hoa hồng ở quê anh vẫn còn mới mẻ, chưa ai làm. Vì vậy, anh quyết định về quê.
“Trong tay không có tiền, tôi bàn với gia đình san lấp mảnh đất của gia đình đang trồng các loại cây không có hiệu quả đi để trồng hoa nhưng không ai đồng ý. Thuyết phục mãi, mẹ tôi mới cho mượn sổ đỏ để đi vay ngân hàng lấy 100 triệu đồng làm vốn”, anh Hùng kể lại.
Từ mảnh đất cằn cỗi đang trồng các loại cây kém hiệu quả, anh Hùng cải tạo thành vườn hoa hồng thơm ngát.
Có một chút tiền vốn trong tay, anh tiến hành thuê máy móc san đất, cải tạo mặt bằng, mua sắm các vật tư, phân bón, máy móc và cây giống về trồng.
Mới bắt tay vào làm riêng, do chưa có kinh nghiệm nhiều, anh Hùng chỉ dám mua vài nghìn cây giống trồng ở diện tích đất vài trăm m2. Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, cải tạo đất, cắt tỉa, anh Hùng vừa mở rộng thêm diện tích trồng hoa hồng.
Vườn cây với hàng vạn gốc hoa hồng.
“Cây hoa hồng tương đối khó chăm. Ban đầu, cây chết nhiều lắm. Không chết thì cây cũng xấu, không bán được. Khách hỏi nhiều nhưng cây đẹp để bán không có, nguồn thu hạn chế, mãi không thu hồi được vốn nên tôi cũng nản lắm”, anh Hùng nói.
Mặc dù có nhiều lúc nản lòng nhưng do trước khi làm, anh Hùng đã xác định được tư tưởng, biết được tiềm năng của việc phát triển kinh tế từ cây hoa hồng nên vẫn tự động viên mình phải luôn cố gắng.
Vườn hồng của anh Hùng tạo công ăn việc làm cho từ 4-5 lao động địa phương.
Ngoài vận dụng kiến thức học hỏi được trong quá trình làm thuê vào thực tế, anh Hùng còn tham gia các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa, phòng ngừa sâu bệnh cho hoa hồng để giảm thiểu tỷ lệ rủi ro.
“Lợi nhuận từ việc trồng hoa hồng khá cao, đặc biệt là hoa hồng cảnh nhưng đây cũng là loại cây kén đất, dễ bị sâu bệnh. Vì vậy, khi trồng cần phải chăm sóc tỉ mỉ từ việc cải tạo đất, tưới nước, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh”, anh Hùng phân tích.
Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, tiền bán hoa được bao nhiêu anh Hùng lại tiếp tục mua cây giống, vật tư, mở rộng diện tích vườn hồng lên hơn 1ha. Các loại giống mới nhập về, anh Hùng thường khoanh vùng trồng riêng, theo dõi sự phát triển của từng loại cây rồi mở rộng diện tích.
Mỗi gốc hoa hồng có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Anh cũng tiến hành ghép mắt, giâm cành, tự chủ nguồn cây hoa giống, cung cấp ra thị trường cây giống, hoa hồng thương phẩm và các cây hoa có giá trị cao.
Ngoài ra, anh Hùng còn quay lại các video hướng dẫn cách chăm sóc cây, kỹ thuật nhân giống, phòng ngừa sâu bệnh, hỗ trợ khách hàng cũng như những người yêu hoa hồng trong việc trồng và chăm sóc cây. Mãi khoảng 2-3 năm sau, anh Hùng mới thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi.
Mỗi năm anh Hùng có thu nhập từ 300-500 triệu đồng nhờ trồng hoa hồng.
“Dù là khách hàng mua cây vài chục nghìn đồng hay vài chục triệu đồng tôi đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc. Sau khi mang cây về trồng, nếu có vấn đề gì tôi đều sẵn sàng tư vấn cách xử lý”, anh Hùng nói.
Hiện tại, ngoài vườn hồng ở huyện Tam Nông với diện tích hơn 1ha, anh Hùng còn sở hữu vườn hồng rộng 5.000m2 ở xã Phú Hộ (thi xã Phú Thọ) trồng hơn 50 giống hoa hồng khác nhau với hơn 1 vạn gốc hoa hồng giống có giá từ 80-100 nghìn đồng/gốc; từ 2.000-3.000 gốc hoa hồng thương phẩm có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng/gốc.
Vườn hoa hồng của anh Hùng cũng là nơi nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh.
Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, anh Hùng có thu nhập từ 300-500 triệu đồng nhờ phát triển kinh tế từ cây hoa hồng.
Không những phát triển kinh tế cho gia đình, anh Hùng còn tạo công ăn việc làm cho từ 4-5 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày.