Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ , với tổng diện tích sàn nhà ở 4,8 triệu m2.
291 dự án đang tiếp tục triển khai
Cùng với số căn hộ đã hoàn thành, Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ cho hay, hiện có 11 địa phương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay vốn khoảng 12.400 tỷ đồng.
Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan lập tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn.
Với việc triển khai Nghị quyết 11 năm 2022 của Chính phủ về hỗ trợ khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở hộ gia đình, đến thời điểm hiện tại, cả nước đã giải ngân được 4.381 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Việc giải ngân gói hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị định 31 năm 2022 của Chính phủ cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đã có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu vay vốn của các dự án khoảng 7.100 tỷ đồng.
121 dự án báo cáo khó khăn, vướng mắc
Về kết quả triển khai Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, đã nhận được 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp có báo cáo nhiều nhất với 59 văn bản.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, đến nay, Tổ công tác mới nhận được 14 văn bản báo cáo, phúc đáp của 8 địa phương và 1 văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ cũng cho biết, đã tích cực thường xuyên tổ chức các đoàn công tác làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản tại TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương…
Còn nhiều “trở lực”
Dù đã và đang thu hút được sự quan tâm về mặt chính sách cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố tham gia phát triển nhưng theo các chuyên gia, trong thực tế vẫn còn không ít “trở lực” trong việc hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng các quốc gia ngay trong khối ASEAN như Singapore, quỹ cho nhà ở xã hội đã phát triển rất hiệu quả.
“Tôi nghĩ rằng không lý do gì để phát triển những quỹ này để không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách", TS. Nguyễn Văn Đình nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội rất ít. Điều kiện, thủ tục phức tạp trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng không nên áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay. Đặc biệt, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho nhà ở xã hội; Vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương; Vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước; Nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.
Tiếp cận bài toán nhà ở xã hội ở Việt Nam dưới góc nhìn kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính cũng cho rằng việc phát triển các quỹ đầu tư nhà ở xã hội là rất quan trọng, bởi rất khó để ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp.
“Quỹ phát triển nhà ở xã hội nên xuất phát từ Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Tiền từ trái phiếu sẽ đưa vào quỹ, cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp khoảng 3%. Ngân hàng nhờ đó mới có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn 5% được. Đây là sẽ là giải pháp để tạo ra nguồn vốn quan trọng phát triển nhà ở xã hội, nhưng không dễ để thực hiện", TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.