Đánh giá về những kết quả trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam bên lề Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, trong hai năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách tài khóa.
"Đặc biệt, chúng ta không thực hiện những giải pháp quá vội vàng, không giật cục, gây ra những “cú sốc” đối với nền kinh tế", đại biểu Cường nói.
Tình hình kinh tế thế giới với nhiều diễn biến phức tạp gây tác động tiêu cực đến Việt Nam, nhiều quốc gia có mức lạm phát rất cao, Ngân hàng Trung ương Mỹ, Châu Âu liên tục tăng lãi suất, vô hình chung đẩy tiền đồng của Việt Nam mất giá.
"Không thể giữ giá tiền VND trong khi các đồng tiền khác tăng giá. Việt Nam phải chấp nhận mất giá đồng tiền ở một giới hạn nào đó, nhưng cân nhắc không để mất giá quá sâu, nếu không nhà đầu tư, người dân sẽ bị ảnh hưởng", ông Cường lưu ý.
Với lạm phát, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, Chính phủ nên chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định, không thể giữ yên tỷ lệ lạm phát trong khi lạm phát thế giới tăng cao, dù vậy vẫn phải kiềm chế không để gây ảnh hưởng đến người dân.
Trong bối cảnh này, việc tăng lãi suất để cân đối tỷ giá khá và đảm bảo kiềm chế lạm phát như các nước đang làm là một điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta đều biết tác động rất lớn của tăng lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp gặp bị khó khăn.
Đặc biệt là khi các doanh nghiệp đang trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh, hiệu quả chưa cao mà bây giờ phải trả lãi suất vốn cao thì có thể sẽ có nguy cơ đình trệ sản xuất. Tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất nhằm giảm thiểu tác động của diễn biến tỷ giá trên thế giới, đại biểu Cường lưu ý.
Nợ công thấp là thuận lợi lớn cho chính sách tài khoá
Phân tích về lãi suất, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho hay, Việt Nam phải căn cứ vào thị trường thế giới để điều hành chính sách trong nước. Khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không nâng lãi suất nữa, tỷ giá, cung cầu tiền tệổn định, không nhất thiết phải thu hút tiền nhàn rỗi trong Nhân dân nữa thì có thể giảm dần lãi suất xuống.
Tăng lãi suất sẽ hạn chế được dòng tiền vào lĩnh vực đầu cơ và đầu tư chậm dù không mang lại kết quả ngay song, nếu tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và quá trình phục hồi, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng giãn, hoãn các nghĩa vụ thuế, phí. Hiệu quả của nhóm chính sách này là đã giúp làm giảm gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Đặc biệt, Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 cho phép dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế.
"Đây cũng là những chính sách làm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong môi trường lãi suất tăng", đại biểu Cường nói.
Ở thời điểm hiện tại, đại biểu Cường cho rằng, chính sách tài khoá đang có một thuận lợi là chúng ta đang duy trì được mức nợ công khá thấp, khoảng 43 – 44% GDP so với trần cho phép là 60% GDP.
Như vậy, Việt Nam còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khoá vẫn là điểm cốt yếu cho điều hành và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Cường nhìn nhận.
Trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao danh mục và mức vốn ngân sách trung ương từ nguồn Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn là 147,138 nghìn tỷ đồng và đã giao bổ sung dự toán năm 2022 cho các dự án với số vốn khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giải ngân các chính sách của Chương trình có xu hướng chậm dần trong những tháng gần đây.
Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ. Trường hợp cần thiết, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh nguồn vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Đồng thời, tập trung giải ngân cao nhất kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được giao.