Thời sự

ĐBQH chất vấn xăng dầu là hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Ngày 16-3, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm đến vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia.

Cần tăng dự trữ xăng dầu quốc gia

ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi xăng dầu là mặt hàng quan trọng, chiến lược, vấn đề dự trữ được thực hiện ra sao, sắp tới Bộ Công Thương có kiến nghị tăng dự trữ hay không. Đây cũng là nội dung ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) quan tâm đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ việc dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc dự trữ quốc gia đang giao cho các doanh nghiệp đầu mối, vậy các doanh nghiệp này vừa làm dự trữ lưu thông hàng hoá, vừa dự trữ quốc gia, liệu có vấn đề gì hay không.

ĐBQH chất vấn xăng dầu là hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về vấn đề xăng dầu - Ảnh: Nhật Bắc

Trả lời vấn đề Chủ tịch Quốc hội và các ĐB nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết xăng dầu dự trữ quốc gia hiện chỉ đủ cung ứng từ 5-7 ngày so với nhu cầu hiện nay. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, mức này là còn thấp và Bộ sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền nâng dự trữ xăng dầu lên để có thể cung ứng từ 1-2 tháng.

"Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên đang giao việc này cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là việc bất hợp lý nên bộ sẽ xem xét vấn đề này, nâng cao dự trữ"- ông Nguyễn Hồng Diên nói và cho rằng thay vì dự trữ bằng tiền, chúng ta có thể tính toán dự trữ bằng hàng.

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện chưa tách bạch được dự trữ xăng dầu quốc gia với dự trữ xăng dầu thương mại. "Đây chính là "lỗ hổng" cần khắc phục trong thời gian tới"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Vì sao xăng dầu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nêu vấn đề về cơ cấu thuế phí trong giá xăng dầu hiện nay và đặt câu hỏi giá xăng dầu trong nước thời gian tới có giảm được không?

Phản ánh ý kiến của cử tri, ĐB Phương cho biết xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường như thế nào. Vị ĐB tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ vấn đề này, ông cũng gửi câu hỏi này tới Bộ trưởng Bộ Tài chính.

ĐBQH chất vấn xăng dầu là hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? - 2

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng - Ảnh: Nhật Bắc

Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu trong nước có giảm được hay không tuỳ thuộc vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, khi giá trên thế giới tăng, Bộ và cơ quan liên quan sẽ cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức "có thể chấp nhận được".

Công cụ để "kìm" đà tăng giá xăng dầu là quỹ bình ổn, nhưng khi quỹ không còn thì dùng đến công cụ thuế phí. "Khi thuế phí đã giảm hết cỡ thì áp dụng chính sách an sinh, chính sách hỗ trợ trực tiếp các đối tượng sử dụng nhiều mặt hàng này"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về vấn đề cơ cấu thuế phí trong giá xăng dầu, trong đó có vấn đề cử tri quan tâm là xăng dầu là mặt hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính hỗ trợ trả lời làm rõ vấn đề này.

Tham gia làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ - PV). Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.

"Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý ông Hồ Đức Phớc cần chỉ đạo nghiên cứu thêm để làm rõ vấn đề ĐB nêu.

Tại phiên chất vấn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm rõ việc nên giảm sắc thuế nào để "hạ nhiệt" giá xăng dầu.

Theo ĐB Mai, việc nghiên cứu giảm thuế hiện nay để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì chưa thực sự hợp lý.

Vị ĐB cho rằng việc này không phù hợp khi thuế bảo vệ môi trường bản chất đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao.

Ngoài ra, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên. Nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này.

Bà Vũ Thị Lưu Mai cho biết một số quốc gia trên thế giới giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần tính toán để lựa chọn sắc thuế phù hợp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm