Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MBS vừa có chia sẻ về cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước.
Dòng tiền suy yếu nhưng VN-Index đang ở chân của con sóng lớn dài hạn lên 2100 điểm
Theo ông Dương Văn Chung, trong 2 tháng vừa qua chúng ta đã chứng kiến cảnh dòng tiền suy yếu nên thị trường không thể thoát được trạng thái sideway trung hạn 1.420 - 1.530. Nguyên nhân của dòng tiền suy yếu có rất nhiều như: Dòng tiền đầu cơ từ sản xuất đổ vào chứng khoán trong mua dịch nay bình thường hóa trở lại nên dòng tiền này lại quay trở về sản xuất, thị trường đã tăng nóng trước đó nên việc chốt lãi và chuyển sang bất động sản, lo ngại lạm phát và chiến tranh, FED tăng lãi suất ...Và đó là những gì đã diễn ra.
Tuy nhiên, với góc nhìn riêng ông Dương Văn Chung cho rằng thị trường đang ở vùng đáy của một chân sóng uptrend rất lớn, tối thiểu có thể lên 1800 +/- 50 trong năm nay.
Ông Dương Văn Chung phân tích như sau:
Thứ nhất, việc FED tăng lãi suất đã nằm trong lộ trình trước đó với xác suất cao là 0,25% và kể cả FED tăng 0,5% thì thị trường cũng sẽ chỉ bị tác động mạnh tâm lý khoảng 1 - 2 phiên rồi sau đó sẽ tăng mạnh do trạng thái tâm lý này đã được chuẩn bị từ trước.
Thứ hai, với những thông tin Nga - Ukraine trong thời gian vừa qua, vị này nhấn mạnh sẽ khó có thể leo thang hơn nữa và giá dầu cũng đã phản ánh điều đó một phần. Kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc do covid-19 lan rộng, ông Chung cho rằng giá dầu đã đạt đỉnh trung hạn, ít nhất là không vượt qua đỉnh 130 USD/thùng trong vài tháng tới nên lo ngại lạm phát bùng nổ đang được giảm bớt. Khi thị trường giảm do lo sợ lạm phát và chiến tranh thì cũng sẽ hồi phục chính với lý do này.
Thứ ba, động lực chính thúc đẩy thị trường tăng giá đó chính là sự thẩm thấu của gói kích cầu thông qua tăng đầu tư công và hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ 2%, tương đương 2 triệu tỷ tín dụng lãi suất thấp sẽ được bơm ra thị trường. Có thể tham khảo lại khủng hoảng 2007 - 2008 xẩy ra thì Chính phủ đã phê chuẩn gói kích cầu từ cuối 2008 nhưng đến tận 23/2/2009 thị trường mới tạo đáy để đi lên mạnh mẽ là do để gói kích cầu được vận hành cần qua rất nhiều khâu thủ tục chậm trễ nên dòng tiền chưa thể thẩm thấu ngay lập tức được. Dòng tiền từ gói kích cầu và hỗ trợ lãi suất này sẽ bù đắp lại toàn bộ dòng tiền chốt lãi rút ra trước đó. Hôm qua dòng tiền trên thị trường đã tìm đến nhóm đầu tư công thì sắp tới dòng tiền sẽ bắt đầu lan tỏa ra mọi ngành nghề khác nhau.
Các chỉ số Chứng khoán Trung Quốc, HongKong gần đây lao dốc rất thảm do đại dịch lan rộng ở các thành phố lớn. Ông Chung cho rằng, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, kiên trì truy vết loại bỏ các ca F0 ra khỏi cộng đồng sẽ phần nào ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Đây sẽ là điều kiện để Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn FDI và FII. Sự trỗi dậy của Việt Nam trong thời gian vừa qua cộng với những diễn biến mới ở Trung Quốc và Nga sẽ là cơ sở để dòng tiền quốc tế tăng tỷ trọng phân bổ vào thị trường Việt Nam.
"Sau đợt sụt giảm vừa qua, chúng tôi nhận thấy rất nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn cả về cơ bản lẫn kỹ thuật nên thị trường rất khó có thể giảm sâu nữa. Ở vùng giá này dòng tiền đầu tư sẽ quay trở lại thị trường do giá đã chiết khấu đủ hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu đầu tư công đã khởi sắc với khối lượng khá tốt và đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy dòng tiền đã quay trở lại thị trường. HBC KBC đã có dấu hiệu hút dòng tiền khi tạo xong 2 đáy tại vùng hỗ trợ mạnh…", ông Dương Văn Chung phân tích.
Xét về mặt phân tích kỹ thuật VN-Index đang hoàn thành nốt bước sóng C - sóng giảm cuối cùng để chuẩn bị bước vào chân sóng mới. Ngày 14/3, VN-Index đã có đáy 1 tại 1.437 điểm và sẽ có đáy 2 sau khoảng 4 - 5 phiên nữa. Đáy 2 có thể cao hoặc thấp hơn đáy 1 nhưng sẽ không thủng 1.420 điểm. Hoặc thậm chí thị trường có khả năng tăng luôn mà không có 2 đáy vì điều này phụ thuộc vào phân lớp cổ phiếu.
"Hiện nay nhiều mã khỏe hoặc giảm trước thị trường đã tạo xong đáy rồi mà không phải đợi VN-Index tạo đáy nữa. Việc phân tích chỉ số chỉ mang tính chất tham khảo", ông Chung nhấn mạnh.
Ông Dương Văn Chung dự báo dài hạn VN-Index có thể lên 1800 điểm thậm chí là 2100 điểm
Vị giám đốc đưa ra dự báo về dài hạn VN-Index có thể sẽ đạt 1.800 +/- 50 ngay trong năm nay hoặc thậm chí là 2.100 điểm.
Trong trung hạn, VN-Index vẫn đang nằm trong kênh sideway 1.420 - 1.530 nhưng sẽ sớm vượt qua 1.530 để vào trend tăng lên 1.800. Thời điểm vượt 1.530 khả năng cao cũng chỉ rơi vào cuối tháng 4 khi mà mùa đại hội cổ đông bước vào giai đoạn nhiều thông tin tích cực nhất được bơm ra và cũng là thời điểm gói kích cầu và tín dụng giá rẻ được thẩm thấu ra nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, ông Chung cho rằng khả năng rất cao ngày 14/3 đã là đáy 1 của đáy trung hạn tại 1.437 và đáy 2 sẽ xẩy ra sau khoảng 4 - 6 phiên nữa nhưng đáy 2 sẽ không thủng 1.420. Hoặc thậm chí thị trường cũng chẳng có đáy 2 nếu không có cú sốc bất ngờ từ FED hoặc tình hình chiến tranh leo thang.
"Việc dự báo ngắn hạn chỉ số chỉ mang tính chất tham khảo. Vấn đề cốt lõi chúng ta cần quan tâm đó là VN-Index đang ở VÙNG ĐÁY CỦA UPTREND LÊN 1.800", vị này nhấn mạnh.
Ba nhóm cổ phiếu sẽ tăng mạnh thời gian tới
Ông Dương Văn Chung dự báo nhóm cổ phiếu sẽ tăng nóng trong thời gian tới tiếp tục là nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp sau đó sẽ lan tỏa dần sang nhóm ngân hàng. Năm trước nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là do hưởng lợi từ việc bơm tiền giá rẻ nên NIM tăng làm biên lợi nhuận tăng (hưởng lợi về giá) còn sắp tới cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng mạnh là do tăng về quy mô tức là gói kích cầu hỗ trợ lãi suất làm tăng nhu cầu tín dụng làm tăng quy mô tín dụng nên sẽ là nhóm được hưởng lợi chính. Tuy nhiên nhóm ngân hàng khối lượng lớn nên sẽ không tăng nóng được như các nhóm khác.
"Chúng tôi biết rằng thời gian vừa qua nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi thị trường do chán nản và bi quan thì nay mọi thứ đó đã nhạt dần, đây là lúc nhà đầu tư cần sớm quay trở lại thị trường để tránh bị mua giá cao dẫn tới khó giữ dài hạn. Nhà đầu tư cũng không nên quá căn ke đáy 1 hay đáy 2 mà chỉ nên quan tâm đây là VÙNG ĐÁY của chân sóng lớn để chọn mã giải ngân theo 1 tỷ lệ phân bổ vừa phải theo khẩu vị rủi ro của từng người", ông Chung nói.