Thời sự

ĐBQH: Cân nhắc bổ sung quá nhiều thông tin như khuôn mặt, ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước

Sáng 28/8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân (CCCD)(sửa đổi).

Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước.

Dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói,... Theo đại biểu đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.  

Liên quan đến thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết tại Điều 11 và Điều 17 của dự thảo Luật Chính phủ trình đã quy định cụ thể việc thu thập, cập nhật thông tin của công dân từ tàng thư căn cước và các cơ sở dữ liệu hiện có, chỉ thu thập thông tin từ công dân trong một số trường hợp chưa có thông tin trong các cơ sở dữ liệu và trên cơ sở công dân tự nguyện cung cấp.

Việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự, thông qua hoạt động tố tụng hoặc hoạt động xử lý vi phạm hành chính, không thu thập trực tiếp từ người dân. Đối với các trường thông tin khác là những thông tin không bắt buộc, được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân.  

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Về tên của Luật, tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết hiện có hai nhóm ý kiến về tên gọi của dự thảo Luật như sau.

Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước và cho rằng, việc sử dụng tên gọi này thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất khi đề nghị bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh , phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước; không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Tuy nhiên, hạn chế của tên gọi này là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách; tác động đến đại đa số công dân Việt Nam hiện đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân, và cho rằng, tên gọi này đã sử dụng ổn định, góp phần giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự; phù hợp với tên gọi trong Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 của UBTVQH. Tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, hạn chế của tên gọi này là thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. 

Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm