Clip: Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm
Sáng 28/8, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đơn vị đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt tại 8 nhà ga trên cao tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án được khởi công từ năm 2009.
Theo MRB, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt 99,5 %. Các công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 ga trên cao của dự án đã hoàn tất.
Dự án nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao nằm trên dải phân cách đường bộ, được hỗ trợ bằng 572 phiến dầm hình chữ U làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Những phiến dầm này có chiều dài 25 mét, chiều rộng 5,2 mét, với trọng lượng lên đến 157 tấn.
Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường.
Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Ông Nguyễn Ngọc Thi – Trưởng phòng quản lý dự án 1 (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội) cho biết, ga 8 (ga Cầu Giấy) là ga đặc biệt nhất trong các ga của Hà Nội. Thứ nhất, vị trí nhà ga đặt ở điểm nút giao thông quan trọng. Thứ hai, toàn bộ hệ thống ra vào, hệ thống kết nối cầu thang nhiều hơn các ga khác. “Ga này có 8 cầu thang lên xuống để đảm bảo hành khách đi lại thuận tiện, an toàn. Hai bên đều có thang máy phục vụ cho người già, người tàn tật và có cả thang cuốn”, ông Thi nói.
Hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao.
Theo ông Thi, hệ thống thu vé được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Với hệ thống thu vé tự động, khi đến ga bất kỳ của tuyến, hành khách có thể chọn mua nhiều loại thẻ/vé. Hành khách sau đó sẽ đi qua cửa kiểm soát được thực hiện bằng hệ thống kiểm soát tự động.
Hình ảnh chiếc thẻ đi tàu tự động, hành khách có thể nạp số tiền bất kỳ vào thẻ. Điểm đặc biệt của loại vé này được vận hành như một chiếc ví điện tử. Người dân có thể lựa chọn hình thức tích tiền vào trong vé để di chuyển. Khi không dùng đến, người dân vẫn thao tác để được hoàn lại tiền vào tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, ông Thi cũng cho biết thêm, mỗi nhà ga đã được lắp hệ kính mái cản nhiệt, chống tia UV đảm bảo việc cấp ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, bảo vệ sức khoẻ (làn da) cho hành khách khi đứng đợi, lên xuống tàu trong ga đường sắt. “Hành khách đứng đợi tàu hay chụp ảnh đều không lo bị đen da”, ông Thi nói.
Ông Thi cho biết, dự kiến đến tháng 4/2024, đoạn trên cao (từ ga S1 đến ga S8) tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 4 ga ngầm vẫn đang được thi công.
Cửa lên xuống khi lên tàu.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà, Ga Cầu Giấy. 4 ga còn lại như: Ga Kim Mã, ga Cát Linh, ga Văn Miếu, ga Hà Nội vẫn đang được triển khai.