Lạm dụng chỉ định xét nghiệm
Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đánh giá ban soạn thảo đã xây dựng dự án công phu, nghiêm túc, với nhiều chính sách mới được đưa ra. Song, bà Thuỷ cũng quan tâm đến vấn đề xã hội hoá, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong khám chữa bệnh, với nhiều bất cập hiện nay.
Nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng, xã hội hoá liên doanh liên kết là chủ trương rất đúng đắn, góp phần bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Thực tiễn đã chứng minh, sau một thời gian triển khai, chính sách này đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, quá trình triển khai thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Cử tri phản ánh tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, lạm dụng chỉ định dịch vụ cao quá mức cần thiết, gây tốn kém cho người dân, và bảo hiểm y tế.
“Xã hội hoá liên doanh liên kết hiện nay tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi ở những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là những địa phương có điều kiện khó khăn, rất cần xã hội hoá thì lại không thể xã hội hoá, dẫn tới thiệt thòi cho người bệnh”, bà Thuỷ cho hay.
Đặc biệt, qua theo dõi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, bà Thuỷ nhận thấy, việc “thổi giá” không chỉ xảy ra trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn được phát hiện qua việc triển khai các đề án liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh tại một số bệnh viện. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, đã ký hợp đồng đặt rô bốt hỗ trợ kỹ thuật với giá gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ hơn 7,4 tỷ lên 39 tỷ, làm lợi cho một nhóm người, gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân sử dụng máy này.
Nguồn lực trong xã hội còn rất lớn
Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng theo các chuyên gia, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho nhà nước. Đồng thời các chuyên gia cũng chỉ rõ, để khắc phục tồn tại bất cập này phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn khi dự thảo chỉ duy nhất chỉ có điều 90 quy định về xã hội hoá, liên doanh liên kết, lại chỉ quy định chung chung, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
“Xã hội hoá y tế hiện nay gần như đã tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gần như đã đóng băng, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng nâng cao, các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ vào việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà Quốc hội đang thảo luận”, bà Thuỷ cho hay.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu phải nghiên cứu quy định cụ thể vấn đề xã hội hoá trong dự thảo. “Nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, nếu ban hành quy định cụ thể, đầy đủ về xã hội hoá liên doanh liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho bệnh nhân, cho nền y tế nước nhà”, bà Thuỷ cho hay.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế để chống biến tướng, chống lợi ích nhóm; và bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hoá liên doanh liên kết ở các địa phương.