Theo tờ Nikkei Asian Review, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đang chật vật thay đổi để tìm hướng đi sau những quyết định sai lầm của người kế vị Jack Ma trong bối cảnh chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính phủ cũng như cạnh tranh từ các đối thủ.
Bước đường cùng
Gần 4 năm kể từ khi nhà sáng lập Jack Ma của tập đoàn này nghỉ hưu, Alibaba dường như sắp phải thay người lãnh đạo đến lần thứ 2. Bà Trudy Dai, một trong những thành viên đời đầu của công ty lên nắm quyền kiểm soát mảng kinh doanh chính, sẽ trở thành nhân vật chủ chốt cho tương lai của tập đoàn thay cho CEO Daniel Zhang, vốn là người kế vị Jack Ma sau khi ông nghỉ hưu.
Giá cổ phiếu Alibaba giảm mạnh
Không chỉ thay đổi lãnh đạo cấp cao, hàng loạt quản lý trong các mảng kinh doanh chính của tập đoàn cũng bị thay máu.
"Những nhà quản lý chịu trách nhiệm cho hoạt động hàng ngày của công ty liên tiếp bị thay mới", nguồn tin là nhân viên của Alibaba nói với tờ Nikkei khi cho biết về tốc độ thay máu đáng kinh ngạc của công ty.
Thậm chí, một báo cáo trực tuyến còn tiết lộ Alibaba đang có kế hoạch sa thải 80.000 nhân viên, tương đương 30% lao động của hãng. Phía công ty đã phủ nhận con số trên nhưng thừa nhận họ đang có kế hoạch tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Trong khi đó, nguồn tin của Nikkei cho biết Alibaba đang bị dồn vào đường cùng và buộc phải tái cấu trúc toàn bộ để tìm hướng đi mới nếu muốn tồn tại trước áp lực của chính phủ cũng như đối thủ cạnh tranh.
Thật vậy, các báo cáo kết quả kinh doanh đã nói rõ lên mọi vấn đề. Alibaba lỗ ròng đến 16,2 triệu Nhân dân tệ, tương đương 2,5 tỷ USD trong quý I/2022, cao gấp 3 lần so với khoản lỗ cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã giảm xuống còn khoảng 250 tỷ USD kể từ mức đỉnh hơn 800 tỷ USD vào tháng 10/2020.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Alibaba kiểm soát đến hơn 50% thị trường bán lẻ trực tuyến và gần một nửa thị trường thanh toán online trên di động. Hệ sinh thái của tập đoàn này mở rộng nhanh chóng thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập. Thế nhưng, mọi thứ bất ngờ đổ vỡ nhanh chóng sau khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát mảng công nghệ.
Vạ miệng
Nhà sáng lập Jack Ma khi rời bỏ chức chủ tịch Alibaba vào tháng 10/2020 đã từng có bài phát biểu rằng "đổi mới không phải là không sợ các quy định mà là sợ hãi những quy tắc lỗi thời". Ngay lập tức bài phát biểu được cho là hướng sự chỉ trích đến chính phủ Trung Quốc, đặt nên sự khởi đầu cho đà sụp đổ của Alibaba.
"Câu nói này không hề có trong bản thảo gốc, chúng tự dưng được thêm vào một cách có chủ ý", nguồn tin thân cận của Jack Ma nói với tờ Nikkei.
Chính quyền Bắc Kinh đã chú ý đến lời tuyên bố này và ngay lập tức các động thái nhắm vào Jack Ma cũng như Alibaba đã diễn ra. Tập đoàn Ant Group, một chi nhánh phụ trách tài chính trong hệ sinh thái Alibaba đã phải hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng do áp lực từ cơ quan chức năng.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc vào cuối tháng 4/2022 đã tuyên bố sẽ nới lỏng kiểm soát với Alibaba nhưng nguồn tin của Nikkei cho biết tập đoàn vẫn nằm trong "sổ đen" của chính phủ và sẽ tiếp tục bị giám sát chặt chẽ.
Người kế vị thất bại
Ngoài lý do áp lực từ chính phủ, một nguyên nhân nữa khiến Alibaba phải cải tổ mạnh mẽ là sự thất bại của người kế vị Jack Ma.
Sau khi Jack Ma nghỉ hưu, CEO kiêm Chủ tịch Danial Zhang đã lên kế thừa với mục tiêu tạo nên nguồn doanh thu mới ngoài thương mại điện tử, qua đó giảm thiểu rủi ro của tập đoàn khi dựa dẫm quá nhiều vào một vài nguồn thu chính.
Kế hoạch đầu tiên của Chủ tịch Zhang là xóa nhòa ranh giới giữa các cửa hàng truyền thống và trực tuyến của Alibaba. Trên thực tế kế hoạch này đã được ông Zhang thúc đẩy từ năm 2016, trước khi trở thành người kế vị Jack Ma.
Để phục vụ cho mục tiêu này, Alibaba đã đổ hàng tỷ USD cho các thương vụ sáp nhập và mua lại. Năm 2015, tập đoàn chi 28,3 tỷ Nhân dân tệ để mua lại sàn bán lẻ trực tuyến Suning.com. Tiếp đó vào năm 2017, công ty bỏ thêm 2,5 tỷ USD để mua lại một số chuỗi bán lẻ lớn. Vào năm 2018, thương vụ mua lại dịch vụ giao đồ ăn Ele.me với tổng giá trị hơn 9,5 tỷ USD được thực hiện.
Bà Trudy Dai
Báo cáo của hãng nghiên cứu IT Juzi cho thấy Alibaba đã bỏ hơn 300 tỷ Nhân dân tệ cho các thương vụ mua lại, sáp nhập trong khoảng 2015-2018 và đó là chưa tính đến những thỏa thuận không được tiết lộ công khai.
Tuy nhiên, phần lớn những thương vụ này lại chẳng kết nối được giữa bán lẻ trực tuyến với truyền thống, qua đó tạo thành gánh nặng và đem về những khoản lỗ cho tập đoàn. Bởi vậy câu chuyện cắt giảm nhân lực là điều hiển nhiên và chủ yếu nhắm đến những mảng kinh doanh trên.
Theo Nikkei, kế hoạch của CEO Zhang đã phá sản khi chưa kịp giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu chính là thương mại điện tử thì đã bị chính phủ kiểm soát cũng như bị các đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Kế hoạch phát triển mới thì tốn tiền mà chỉ đem lại gánh nặng.
Như một hệ quả tất yếu, ông Zhang được cho là sẽ bị thay thế bởi bà Trudy Dai với danh nghĩa người đứng đầu mảng thương mại điện tử chủ chốt của Alibaba vào cuối tháng 4/2022. Vị trí này vốn được ông Zhang đảm nhiệm thay Jack Ma kể từ khi nhà sáng lập nghỉ hưu.
Động thái trên được các chuyên gia nhận định bà Dai sẽ là người chịu trách nhiệm vực dậy Alibaba, đồng thời trở thành người kế nhiệm CEO Zhang sau này.
Bà Dai là một trong những học trò của nhà sáng lập Jack Ma kể từ khi ông còn là giáo viên dạy tiếng Anh. Người phụ nữ này được đánh giá là cứng rắn trong công việc nhưng lại có lối sống khá thân thiện, thích nói chuyện, thường xuyên hẹn ăn uống cùng đồng nghiệp.
Chủ nghĩa bè phái là một phần văn hóa của Alibaba bởi Jack Ma muốn các bộ phận cạnh tranh lẫn nhau. Văn hóa này hiệu quả với công ty trong thời kỳ tăng trưởng nhưng lại trở thành rào cản cho giao tiếp nội bộ cũng như là nguồn cơn của các xung đột bên trong tập đoàn.
Theo nguồn tin của Nikkei, nhân viên bộ phận bán lẻ trực tuyến của Alibaba đang phải nộp báo cáo 10.000 chữ vào mỗi thứ 6 hàng tuần, vốn được cho là một nhiệm vụ vô nghĩa bởi các quản lý muốn làm hài lòng những giám đốc cấp cao hơn. Thế nhưng những quản lý này đang được thay thế dần dưới thời bà Dai, người được kỳ vọng sẽ khôi phục lại đế chế Alibaba.
*Nguồn: Nikkei