Chứng khoán Việt Nam đang được định giá hấp dẫn với các thị trường trong khu vực
Trong tháng 5, VN-Index (VNI) phục hồi 12% kể từ khi chạm đáy vào ngày 16/5. Xu hướng hồi phục xuất hiện khi thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm bớt tâm lý bi quan trong vài tuần qua và những diễn biến tích cực tại Việt Nam.
Cụ thể hơn, kỳ vọng về việc Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất đã thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu, việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 ở Trung Quốc đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng tốc trong tháng 5. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ ở mức P/E dự phóng 11,5 lần, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến của VinaCapital là hơn 20% cho năm 2022, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2 lần đối với các quốc gia ASEAN.
Tất cả những yếu tố này tạo tiền đề để chỉ số VN-Index tiếp tục tăng trong năm nay và có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đều đồng ý với quan điểm đó. Mặc dù thị trường giảm điểm, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 150 triệu USD cổ phiếu trong tháng 5 (bao gồm khoảng 125 triệu USD dòng vốn ngoại đầu tư vào quỹ ETF) sau khi bán hết số cổ phiếu trị giá khoảng 290 triệu USD trong quý I.
Thêm vào đó, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 đã giảm hơn 33% so với tháng 4, điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ không hoảng sợ mà bán ra số cổ phiếu họ nắm giữ khi thị trường sụt giảm trong tháng 5.
“Chúng tôi cho rằng niềm tin của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước một phần đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh của Việt Nam ở mức 33% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I. Điều này cũng sẽ giúp VN-Index tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm nay, mặc dù 2 - 3 tháng tiếp theo có thể sẽ có nhiều biến động”, ông Michael Kokalari đưa quan điểm.
Phân tích thêm, kinh tế trưởng VinaCapital đưa ra 4 diễn biến mới hỗ trợ nhà đầu tư trong nước.
Thứ nhất là thị trường nhận thức được làn sóng bán tháo do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc.
Thứ hai là việc Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khác.
Thứ ba là các diễn biến tích cực của nền kinh tế - bao gồm cả mức tăng kỷ lục của doanh số bán lẻ trong tháng 5.
Cuối cùng, nhận thức ngày càng tăng rằng các sự kiện kinh tế toàn cầu hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích thêm về vĩ mô, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với dự đoán của hầu hết các nhà phân tích trước đây, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và lượng khách du lịch nước ngoài.
“Chúng tôi vẫn dự báo tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, nhưng đồng thời nhận thấy con số này có khả năng tăng trưởng cao hơn, và nhận thấy một số dự báo nói rằng tăng trưởng GDP có thể đạt mức 9% trong năm nay”, báo cáo phân tích nêu.
Doanh thu bán lẻ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong năm nay và sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái trong 5 tháng đầu năm 2022, đây là mức tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với mức VinaCapital dự báo.
Thêm vào đó, chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng từ 51,7 vào tháng 4, lên 54,7 vào tháng 5, đây là mức tăng lớn nhất trong hơn một năm, thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới.
Dựa trên những phân tích vĩ mô trên, VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Sự phục hồi gần đây của VN-Index được thúc đẩy bởi tâm lý bi quan trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm bớt, cũng như nhà đầu tư đã bớt lo ngại về một số yếu tố như hoạt động chống tham nhũng trong ngành chứng khoán, quan điểm về siết dòng vốn vào thị trường bất động sản.