Trong thời đại ngày nay, cách giáo dục đã có sự thay đổi bởi nhiều nguyên nhân như: Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, môi trường,… Đa số các bậc cha mẹ ở thế hệ trước đều để con tự lập trong mọi việc bởi họ còn bận rộn công việc mưu sinh, điều kiện sống chưa cao. Họ để những đứa trẻ giải quyết việc trong khả năng của chúng.
Còn ngày nay, hầu hết các gia đình chỉ có 1 – 2 con nên điều kiện kinh tế không quá khó khăn, đời sống được cải thiện. Vì vậy, họ nuông chiều, bao bọc con nhiều hơn. Họ sợ trong quá trình con làm việc sẽ xảy ra sự cố và sợ con mệt mỏi. Họ không muốn con phải đụng tay vào việc gì.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không biết rằng, môi trường sống của trẻ từ nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành sau này. Dưới đây là một câu chuyện khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ. Nó cũng là tình huống thường gặp trong các gia đình ngày nay.
Một gia đình nọ sinh sống tại trung tâm thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Họ có 2 người con, gồm một con gái và một con trai. Thi thoảng họ phải đi công tác nên thường thuê người giúp việc theo ngày để chăm sóc 2 đứa trẻ.
Những đứa trẻ không được gọn gàng, ngăn nắp lắm. Đồ chơi, quần áo rải từ phòng khách vào đến phòng ngủ. Ngôi nhà luôn trong tình trạng bừa bộn khiến người trông trẻ rất bực bội. Thậm chí, không gian còn thoảng mùi hôi của đồ ăn thừa vì trẻ không chịu vứt rác.
Ảnh minh hoạ.
Người giúp việc ngán ngẩm hơn vì ngay đến vệ sinh cá nhân, chúng cũng lười biếng. Đám trẻ có thể mặc bộ quần áo mấy ngày mà không chịu giặt. Khi đi học về, chúng ném ngay chiếc cặp xuống ghế, nằm trên sô pha xem ti vi và từ chối việc phụ nấu cơm. Đến khi ngồi vào bàn ăn, chúng cũng chẳng thèm rửa tay chân. Những việc này gây ấn tượng không đẹp trong mắt người khác.
Người giúp việc hiểu rằng do cặp vợ chồng quá bận rộn kiếm tiền nên khó có thời gian chăm sóc con cái. Họ đi sớm về muộn, lịch công tác triền miên nên không sát sao được với các con. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, là tấm gương để con học tập. Mọi lời nói, hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến con. Vậy nếu trẻ sống trong môi trường gia đình thiếu sự giáo dục về ngăn nắp, gọn gàng thì lối sống của chúng có tốt trong tương lai?
Trên thực tế, tình trạng này không chỉ xảy ra ở các gia đình bận rộn, không có thời gian cho con. Tình trạng trở nên phổ biến đối với những cặp vợ chồng trẻ lười làm việc nhà. Họ không chịu dọn dẹp dẫn đến việc để con sống trong "đống rác". Điều này vô tình khiến con học theo lối sống không đẹp.
Cha mẹ cần biết rằng, sự khác biệt giữa ngăn nắp và bừa bãi không chỉ ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại mà còn hình thành nên tính cách, tác phong, lối sống trong tương lai.
Hãy dạy con làm mọi việc một cách cẩn thận, ngăn nắp ngay từ khi còn bé. (Ảnh minh hoạ)
Thiếu gọn gàng, ngăn nắp ảnh hưởng như thế nào đến tương lai trẻ?
1. Hình thành tính cách xấu xí
Những đứa trẻ sống trong một ngôi nhà bừa bộn, chỉ được dọn dẹp trong những ngày lễ Tết thường có tính cách ích kỷ, lười biếng, luộm thuộm. Thậm chí trẻ còn cáu gắt, bực bội vì không tìm được đồ cần dùng trong một mớ hỗn độn. Ở trường, trẻ bị bạn bè, thầy cô đánh giá thấp bởi sự cẩu thả. Có thể bạn bè xa lánh khiến chúng cảm thấy cô đơn, tự ti, mặc cảm.
Còn khi lớn lên, bước chân ra ngoài xã hội có thể bị lãnh đạo phê bình, khiển trách trong quá trình làm việc. Người như vậy khó có cơ hội thăng tiến. Nếu cha mẹ không chỉnh sửa kịp thời sẽ khiến tình hình ngày càng tồi tệ.
2. Thiếu ý thức về sự khủng hoảng, luôn trì hoãn
Những đứa trẻ sống trong "đống rác" có nguy cơ hình thành tích cách trì hoãn. Đây là một "căn bệnh" khó chữa trong xã hội ngày nay. Vì trong mắt trẻ, mọi thứ đều lộn xộn, bừa bãi và trẻ không có nhu cầu dọn dẹp. Chúng thường tự nhủ với bản thân: "Mai dọn nhà sau cũng được", "Thôi để mai giặt quần áo", "Việc lau chùi đồ đạc để cuối tuần cũng được",…
Thay vì giải quyết công việc nhanh chóng thì trẻ luôn tìm lý do trì hoãn, bao biện cho sự lười biếng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi tính cách này sẽ theo trẻ khi trưởng thành. Trẻ sẽ trở thành người luôn chậm trễ, giải quyết công việc muộn làm ảnh hưởng đến người khác.
Sống không gọn gàng vô tình hình thành thói trì hoãn cho trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Việc cha mẹ cần làm để chấm dứt tình trạng trên là thay đổi ngay lập tức. Cha mẹ không chỉ nên giữ gìn nhà cửa sạch đẹp, ngăn nắp mà còn cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể, ăn mặc gọn gàng để con cái noi theo.
Trẻ cần được hướng dẫn sắp xếp đồ dùng ngăn nắp từ khi nhỏ bằng các công việc đơn giản như: Thu dọn nhà cửa, gấp chăn màn, giặt quần áo, để đồ đúng nơi quy định, dọn bàn sau khi kết thúc bữa ăn,… Hãy dạy trẻ không được trì hoãn bất cứ việc gì và ngừng ngay câu nói: "Để mai làm!". Việc hôm nay chớ để ngày mai. Những gì đơn giản, có thể giải quyết thì cần thực hiện trong ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy hướng dẫn con tập trung khi làm việc để đạt được kết quả cao. Điều này góp phần xây dựng tính cách tốt cho trẻ như: Tự giác, tự lập, cẩn thận, tỉ mỉ, sạch sẽ,…
Gọn gàng, ngăn nắp là một bài học không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ. Cha mẹ cần giáo dục sớm và làm gương sáng cho con. Bởi việc sống trong môi trường thiếu sự chỉn chu sẽ không giúp ích gì cho tương lai của trẻ.