Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank) vừa có thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long (tên cũ: Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh) lần thứ 10.
Khoản nợ xấu này phát sinh theo hợp đồng tín dụng ký ngày 8/9/2014 giữa OceanBank với Pegasus Thăng Long.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ góp vốn tại dự án “Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng và quản lý sau đầu tư Cụm công nghiệp Bình Phú” được chấp thuận chuyển đổi thành dự án đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh “KDT Văn Minh” giữa Pegasus Thăng Long và Công ty TNHH MTV Mika.
Đáng chú ý, OceanBank tăng dần giá khởi điểm qua các lần đấu giá do tính thêm tiền lãi phát sinh. Trong lần rao bán này, giá khởi điểm của khoản nợ đã lên tới 452 tỷ đồng.
Trước đó, khoản nợ trên từng được rao bán với giá 373 tỷ đồng trong lần đấu vào cuối năm 2020 với khoản nợ gốc 175 tỷ đồng (đã bao gồm tiền lãi phát sinh).
Bất lực trong việc thu hồi nợ, ngày 28/9/2017, OceanBank từng nộp đơn khởi kiện Pegasus Thăng Long ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình, TP Hà Nội. Song tới nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ án. OceanBank đã tạm ứng án phí sơ thẩm số tiền là 512,7 triệu đồng.
Theo văn bản thỏa thuận ngày 6/10/2020, bên mua nợ ngoài việc thanh toán tiền mua khoản nợ xấu của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long, còn có trách nhiệm hoàn trả cho OceanBank số tiền mà OceanBank đã tạm ứng án phí.
Cụ thể, số tiền mà OceanBank đã tạm ứng tính đến ngày 10/12/2020 là gần 379,3 triệu đồng, bao gồm 374,2 triệu đồng án phí tương ứng với khoản nợ tại OceanBank và 5 triệu đồng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.
Theo tìm hiểu của người viết, người đại diện của Pegasus Thăng Long là bà Nguyễn Minh Hương. Bà Hương còn là đại diện theo pháp luật cho nhiều công ty khác như: CTCP Truyền thông Đại Dương Kim Cương, CTCP Thương mại Hồng Hạnh Hương, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại TOPCARE, Công ty TNHH Kiến trúc và Xây dựng Tràng An.
Ngoài khoản nợ xấu trên, danh sách doanh nghiệp bị OceanBank rao bán nợ còn có CTCP Sản xuất Nhật Minh, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, CTCP Phát triển Giải trí Xứ sở Hạnh phúc, Công ty TNHH Đầu tư TM XNK Tùng Lâm,….
Không chỉ OceanBank, các "ông lớn" ngân hàng cũng chật vật trong việc thu hồi các khoản nợ xấu. Như tại BIDV, mới đây, ngân hàng đã ra thống báo rao bán lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm giảm hơn 1.000 tỷ đồng.
Hay Vietcombank vừa thông báo đấu giá lần thứ 15 khoản nợ khó đòi của Công ty TNHH Việt Trường Sơn (Công ty Việt Trường Sơn).
Tạm tính đến ngày 30/4/2021, tổng giá trị khoản nợ là 33,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 12 tỷ đồng, nợ lãi là hơn 21,3 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 1/5/2021 theo mức lãi suất thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng đã được các bên ký kết cho đến khi thanh toán xong các khoản nợ gốc.
Tại lần đấu giá này, ngân hàng đưa ra giá khởi điểm là 20,6 tỷ đồng, giảm hơn 18 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên vào tháng 4/2020.
Công ty Việt Trường Sơn có trụ sở tại TP HCM, người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn Cang. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn các mặt hàng cao su, bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, quạng kim loại, xây dựng công trình thủy lợi, dân dụng… Hiện nay, công ty đã dừng hoạt động.
Tại báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết việc bán, phát mại tài sản để xử lý nợ xấu của các TCTD gặp nhiều khó khăn do thị trường thanh lý tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch.
Bên cạnh đó, có những khách hàng lợi dụng bối cảnh dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản đảm bảo cho các TCTD khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm càng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, định hướng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Tính từ năm 2021 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 216.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54.800 tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23.600 tỷ đồng), chiếm 43% tổng nợ xấu được xử lý; sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 14.200 tỷ đồng, chiếm 25,9% và bán nợ cho VAMC 11.400 tỷ đồng chiếm 20,9%.