Trong bộ phim bom tấn siêu anh hùng "In The Dark Knight Rises" (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy - sản xuất năm 2012) của đạo diễn Christopher Nolan, khán giả có thể thấy một cảnh thót tim cho thấy Bruce Wayne (Christian Bale) cố gắng thoát khỏi một mê cung tối tăm. Những tưởng chỉ là một kỹ xảo điện ảnh nhưng địa điểm này hoàn toàn có thật. Đó là một công trình kiến trúc cổ đại mang tên giếng bậc thang Chand Baori.
Giếng bậc thang Chand Baori là một trong những công trình kiến trúc cổ đại ấn tượng nhất đất nước Ấn Độ. Nó nằm ở ngôi làng Abhaneri - cách thành phố hồng Jaipur, Rajasthan khoảng 60km. Công trình này được cho là có niên đại hơn 1.000 năm, tức xây dựng từ khoảng năm 800 - 900 (sau Công nguyên).
Trên thực tế, kỳ quan kiến trúc này cũng từng xuất hiện trong một số bộ phim trước đó, bao gồm Paheli (2005) và Bhool Bhulaiya (2007). Mặc dù đã xuất hiện trong các bộ phim được hàng triệu người trên khắp thế giới xem, công trình kiến trúc 1.000 năm tuổi này vẫn là một điểm du lịch ít người biết đến. Tuy nhiên, một khi đã đặt chân tới rồi, du khách sẽ phải trầm trồ trước sự vĩ đại của một công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử...
Vẻ bề thế của Chand Baori đủ để hớp hồn bất cứ ai. Ánh sáng mặt trời chiếu xuống các bậc thang và bố cục hình tam giác tạo thêm vẻ huyền bí cho thiết kế của Chand Baori.
Giếng bậc thang mang vẻ đẹp huyền bí
Giếng bậc thang, còn được gọi là "baoli", "baori" hay "vav" trong tiếng Ấn. Những cái giếng kiểu bậc thang như vậy thường được tìm thấy ở các vùng Rajasthan và Gujarat của xứ diệu kỳ.
Giếng bậc thang Chand Baori được xây dựng từ năm 800 - 900 (sau Công nguyên) bởi Vua Chanda của Vương triều Nikumbh. Đây là công trình dành riêng cho Hashat Mata, nữ thần niềm vui. Tính theo tuổi thì nó còn lâu đời hơn cả ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal, đền Khajuraho và đền Chola.
Kiến trúc hình học phức tạp và chính xác của bậc thang khiến người ta phải thốt lên rằng: "Làm thế nào người xưa có thể tạo ra tuyệt tác này từ nhiều thế kỷ trước".
Giếng được tạo thành từ 3.500 bậc thang với 13 tầng cao tới 30 mét. Các bậc thang sắp xếp theo hình đối xứng hoàn hảo. Nước ở dưới đáy có màu xanh lục đặc biệt, một ngôi đền chạm trổ ở trung tâm với những đường vòng cung tối tăm đầy bí ẩn.
Chand Baori có độ sâu 19,8 mét và được bao bọc bởi những hàng hiên trụ. Nó có các bậc thềm được xây dựng ở hai bên, có thể được hạ xuống để đi tới nước ở đáy, giống như hình kim tự tháp ngược.
Cấu trúc của các bậc thang được thiết kế để đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận với nước vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và từ mọi phía. Ngoài ra nó còn có một ý nghĩa về toán học, thậm chí thiên văn học cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được bí ẩn của trí tuệ người xưa.
Miệng giếng khổng lồ là nơi nguồn nước đổ vào. Sau khi chảy xuống qua các bậc thang, nước ngấm qua các tảng đá xốp và trở lại các mạch nước ngầm. Nhiệt độ dưới đáy giếng luôn thấp hơn nhiệt độ bên trên từ 5 đến 6 độ C.
Vì vậy, Chand Baori còn được ví như một "chiếc quạt khổng lồ" và giúp người dân làng Abhaneri giải tỏa cái nóng gay gắt mùa hè. Mọi người thường ngồi quanh các bậc thang để tránh nắng nóng.
Kiến trúc độc đáo của giếng bậc thang Chand Baori
Thiết kế và cấu trúc đặc biệt của Chand Baori nhằm tiết kiệm nước nhiều nhất có thể, dưới đáy giếng là dòng nước có màu xanh ngọc đặc biệt.
Trên ba mặt của giếng bậc thang sâu 19,5 mét này là các bậc thang hình học. Cụ thể là các bậc tam giác dốc. Mặt thứ tư có các phòng nhỏ, được thiết kế tinh xảo, là nơi nghỉ ngơi của gia đình hoàng gia trước đây. Hai ban công hướng ra giếng trời, nơi đặt bức tượng thần Mahisasurmardini và thần Ganesha.
Giếng bậc thang Chand Baori cũng có cả tượng thần Sheshasayee Vishnu hay thần Vishnu đang ngủ. Hiện tại, các hành lang chứa đầy hiện vật khai quật được, bao gồm những tác phẩm điêu khắc đá.
Khách du lịch có thể đến thăm Chand Baori bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè ở Rajasthan không phải là lúc phù hợp để du lịch. Tháng 10 đến tháng 3 là thời điểm lý tưởng nhất để đến tham quan Chand Baori.
Nguồn: Tổng hợp