Chứng khoán vừa trải qua hai tháng nhiều biến động, khi VN-Index lao dốc từ vùng 1.520 điểm xuống mức đáy dưới 1.200 điểm. Tuy nhiên, chỉ số của sàn HoSE đã phục hồi trở lại trong tuần này. VN-Index giữ sắc xanh 3/4 phiên gần nhất, tăng về gần ngưỡng 1.250 điểm với lực kéo của nhóm bluechip. Cùng nhịp tăng của thị trường, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng trở lại mức giá ba chữ số. Mã này chạm đáy dưới ngưỡng 85.000 đồng trong phiên 17/5 rồi bật lại bằng ba phiên tăng trần liên tiếp. Tính tới cuối phiên sáng 20/5, thị giá MSN ở mức 110.500 đồng.
Đánh giá về các yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng của Masan, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt dẫn ra kết quả kinh doanh do tập đoàn công bố giữa tháng này. Theo đó, Masan dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số tăng lần lượt 15%-20% và 25%-30% trong quý hai năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến, nếu hoàn thành kế hoạch mục tiêu quý hai, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng doanh thu của tập đoàn trên cơ sở so sánh tương đương sẽ là 15%. Lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng trưởng 150-170% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty chứng khoán Bản Việt định giá của cổ phiếu MSN ở mức 158.000 đồng. Báo cáo của HSBC cũng khuyến nghị mua và đặt mức giá mục tiêu của MSN là 161.000 đồng.
Tăng trưởng doanh thu của MSN trong quý 2 đến từ nhiều mảng. Doanh thu của The CrownX (TCX) tăng 10%, doanh thu Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM) lần lượt tăng 25% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở mảng bán lẻ, WinCommerce (WCM) đã mở hơn 200 cửa hàng kể từ đầu năm và dự kiến sẽ mở tổng cộng 300 cửa hàng (WinMart và WinMart+) vào quý 2. Các cửa hàng WinMart+ mới dự kiến sẽ đạt mức hòa vốn EBIT (lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh) sau 6 đến 9 tháng. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ duy trì mức EBIT dương trong năm 2022 và đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế dương trong năm 2023.
Ngoài ra, ban lãnh đạo MSN dự kiến sẽ đẩy nhanh việc mở rộng mô hình mini mall bắt đầu từ quý 3.
Ở mảng sản xuất hàng tiêu dùng, công ty dự kiến doanh thu quý 2 sẽ tăng 20% nhờ các thương hiệu hàng tiêu dùng hàng đầu và việc ra mắt các sản phẩm mới. Chi phí đầu vào dự kiến sẽ tăng trong quý 2, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp, nhưng biên lợi nhuận gộp trong các quý còn lại của năm 2022 dự kiến trở lại trên mức 40%.
Ở mảng F&B, đối với chuỗi trà và cà phê Phúc Long, Masan đặt mục tiêu doanh thu hàng ngày từ 4-5 triệu đồng mỗi quầy bán, dựa trên mức hiện tại là 2 triệu đồng một quầy. Công ty cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc mở rộng điểm bán tại các thành phố cấp 2 sau khi tối ưu hóa mô hình và việc vận hành của các điểm bán Phúc Long hiện có. Trước mắt, MSN dự kiến sẽ giới thiệu menu mới tại các điểm bán này.
Ở mảng viễn thông, Masan dự kiến sẽ đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ viễn thông di động của Reddi vào quý 3/2022 và tích hợp đầy đủ các dịch vụ tài chính (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ...) cũng như chương trình khách hàng thân thiết vào Reddi trong năm 2022.
Doanh thu từ mảng thịt có thương hiệu dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 do mở rộng danh mục thịt chế biến và tăng cường phân phối thông qua WCM, nhờ đó sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Hiện tại, hiệu suất hoạt động của Masan MEATLife có thể lên tới 20% so với mức hòa vốn tại nhà máy là 26%. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tỷ lệ này đạt 30% vào cuối năm 2022.
Masan công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Trusting Social vào cuối tháng 4/2022. Trusting Social là doanh nghiệp Fintech tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với mong muốn phổ biến các dịch vụ tài chính thông qua việc tích hợp AI vào phân tích hiểu biết về người tiêu dùng và thị trường tài chính.