Báo cáo Vietnam Startup Industry Report 2022 của Nextrans mới đây cho biết các startup Việt Nam đã thu hút được tổng cộng 855 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2022. Bên cạnh TMĐT, fintech (công nghệ tài chính) vẫn là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng vốn 138 triệu USD.
Thị trường dịch vụ tài chính số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Trong số 6 quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, mảng dịch vụ tài chính số ở Việt Nam có quy mô khiêm tốn nhất với khỏng 1 tỷ USD (chiếm khoảng 6% tổng quy mô thị trường khu vực). Dù vậy, mảng dịch vụ tài chính số tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ chạm mốc quy mô 3,8 tỷ USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 38% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025. Con số này đưa Việt Nam trở thành thị trường dịch vụ tài chính số tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng chính cho mảng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam nằm ở sự thâm nhập nhanh chóng của smartphone và người dùng đón nhận mạnh mẽ các phương thức thanh toán số. Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập smartphone đạt trên 70%. Thay cho tiền mặt, ví điện tử và mã QR trở thành phương thức thanh toán thay thế được nhiều người lựa chọn. Theo Statista, giá trị thanh toán số ở Việt Nam sẽ cao thứ 4 Đông Nam Á vào năm 2023, vượt qua Singapore và Malaysia.
Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ cao nhất Đông Nam Á. Theo số liệu của Statista, 69% dân số Việt Nam chưa được ngân hàng phục vụ, con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình tuần cầu là 22%.
Quy mô đầu tư vào startup fintech Việt Nam giảm nhiệt
Trong năm 2022, đầu tư mạnh mẽ vào mảng fintech tiếp tục đến từ việc dịch vụ tài chính số được đón nhận mạnh mẽ bất chấp dịch COVID-19 đang dần hạ nhiệt. Dù vật, so với năm 2021, giá trị đầu tư vào các startup fintech Việt Nam trong năm 2022 giảm rõ rệt.
Theo Nextrans, tổng đầu tư (chỉ tính các thương vụ công khai) vào startup fintech Việt Nam trong năm 2022 đạt 137,9 triệu USD (chiếm 2,3% giá trị thương vụ trong khu vực). Về số lượng thương vụ, startup fintech Việt Nam nhận được 14 lần đầu tư, chiếm 6% tổng số lượng thương vụ lĩnh vực fintech Đông Nam Á. Giá trị đầu tư của năm 2022 thấp hơn nhiều so với mức đỉnh ghi nhận vào năm 2021 (563,2 triệu USD) và năm 2019 (426,2 triệu USD) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2020 (0,98 triệu USD).
Vốn đầu tư vào fintech giảm trong năm 2022 cho thấy những khó khăn mà startup phải đối mặt trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi trong khi đó các nhà đầu tư ngày càng thận trọng và tập trung vào khả năng sinh lờ của các startup.
Theo Nextrans, startup fintech Việt Nam có thể chia làm 5 mảng chính là thanh toán số, cho vay, quản lý tài sản (WealthTech), công nghệ bảo hiểm (InsurTech) và Blockchain/tiền số. Nếu như trong năm 2018, hệ sinh thái startup fintech Việt Nam có khoảng 144 công ty, đến năm 2022, con số này được ước tính lên tới 260 công ty.
Thanh toán số vẫn là lĩnh vực startup fintech sôi động nhất tại Việt Nam tính theo cả số lượng startup và khả năng thu hút vốn đầu tư. Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, mảng dịch vụ cho vay thay thế tại Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ tiềm năng lớn từ dân số trẻ và yêu công nghệ. Mua trước, trả sau (BNPL) cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều startup đáng chú ý như Fundiin hay Ree-pay.
Trong năm 2021, đại dịch tạo ra một làn sóng các nhà đầu tư cá nhân trong các lĩnh vực như chứng khoán, từ đó tạo ra lực đẩy cho nhiều startup quản lý tài sản xuất hiện trong 2 năm trở lại đây. Đầu tư vào mảng dịch vụ này trong năm 2022 có sự tham gia của khá nhiều nhà đầu tư cho các startup như Finhay, Anfin và Infina cũng tổng vốn 36,5 triệu USD.
Ở mảng công nghệ bảo hiểm, thị trường ở Việt Nam vẫn còn nhỏ hơn khá nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Doanh thu thị trường bảo hiểm tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2 – 3% quy mô doanh thu khu vực, theo Nextrans.
Gần như tất cả các startup insurtech Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc số hoá các hoạt động như thẩm định và bán bảo hiểm vì các yếu tố phức tạp trong ngành bảo hiểm và thói quen khách hàng chưa thay đổi.