Doanh nghiệp

Đầu tư công nghệ để gia tăng giá trị nông sản Việt

Theo ông Nguyễn Trần Thi, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Koina, một nền tảng công nghệ nông nghiệp (AgriTech) từ nông trại đến doanh nghiệp (Farm to Business) dựa trên dữ liệu, các giải pháp công nghệ trong nông nghiệp có thể hỗ trợ giải quyết các điểm "nghẽn" thường gặp của nhà nông.

Đầu tiên, ứng dụng công nghệ có thể giúp bao tiêu các sản phẩm sau thu hoạch của từng hộ nông dân và xây dựng mạng lưới phân phối để cung cấp các sản phẩm tươi sạch cho các nhà bán lẻ. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ nông nghiệp sẽ giúp nông dân kết nối với các nhà cung cấp đầu vào (hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu,...) và các kỹ sư nông nghiệp để đưa ra hướng dẫn, phương pháp phù hợp.

Ngoài ra, để giúp làm giảm chi phí sản xuất, ứng dụng Koina cũng mua nguyên liệu với số lượng lớn, sau đó phân phối lại cho nông dân với giá tốt hơn. Cuối cùng, nền tảng công nghệ sẽ kết nối với các viện khoa học để cung cấp cho nông dân những kỹ thuật, công nghệ canh tác mới nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và có chất lượng sản phẩm tốt hơn.

"Chúng tôi nhận thấy sự cấp thiết tăng cường đầu tư cho công nghệ nhằm kiểm soát chất lượng và gia tăng giá trị cho nông sản Việt. Với tầm nhìn là xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, chúng tôi luôn đồng hành cùng nông dân, lấy nông dân làm trọng tâm của mọi hoạt động, ứng dụng", ông Nguyễn Trần Thi chia sẻ.

Tính toán từ Koina cho thấy, mỗi sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đến tay người tiêu dùng có giá trung bình cao hơn 250% so với giá tại vườn. Trong khi đó, cung cầu còn chưa hiệu quả, đặc biệt trong đợt phong tỏa do Covid-19 năm 2021. Nhiều nông dân không bán được sản phẩm và người tiêu dùng không thể mua được rau quả tươi. Nông sản thu hoạch bị hư hỏng do quá trình vận chuyển kéo dài làm cho tài chính của người nông dân ngày càng cạn kiệt.

Việt Nam hiện có hơn 17 triệu nông dân, 11,8 triệu ha đất canh tác cho nông nghiệp và doanh thu từ nông sản chiếm hơn 10% GDP hàng năm thì đây thực sự là cơ hội rất lớn cho một nền tảng công nghệ như Koina.

Koina ra đời vào tháng 11/2021 với mục tiêu tái tạo chuỗi giá trị, mang lại lợi ích bền vững cho người nông dân và người tiêu dùng. Koina có những bước tăng trưởng thần tốc khi ghi nhận quy mô đưa ra thị trường hơn 1.000 tấn nông sản chỉ trong 4 tháng.

Với những nỗ lực của một đội ngũ sáng lập tài năng và giàu kinh nghiệm trong các công ty khởi nghiệp và tập đoàn danh tiếng, đến nay có hơn 2.500 nông dân làm quen với ứng dụng Nền tảng Nhà nông (Farmer platform) và đặt mục tiêu đến năm 2026, sẽ có hơn 200.000 nông dân sử dụng ứng dụng này và kênh bán hàng của Koina sẽ phân phối một triệu tấn nông sản.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, các nền tảng công nghệ nông nghiệp cũng đối mặt không ít những thử thách trở ngại. Ông Nguyễn Trần Thi cho rằng, hầu hết nông dân Việt Nam đều lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ và khó thay đổi thói quen canh tác. Họ cũng thường xuyên đối mặt với việc thương lái ép giá cũng như thông tin minh bạch về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một thách thức đối với các đối tác tài chính (chẳng hạn như ngân hàng) để hỗ trợ nông dân, nhà bán lẻ và nhà phân phối vốn lưu động và các khoản vay. Vì vậy, ứng dụng Koina phải phát triển một kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm làm cơ sở để tăng khả năng hiển thị và xây dựng niềm tin với nông dân. Đồng thời, việc thiết kế các sản phẩm công nghệ phải thực sự đơn giản và kết hợp với các cấp chính quyền địa phương, các hoạt động thực tế gần gũi để thực sự đưa công nghệ vào cuộc sống hàng ngày của nông dân.

Vừa qua, VinaCapital Ventures, quỹ đầu tư công nghệ của Tập đoàn VinaCapital, thông báo về thương vụ đầu tư một triệu USD vào Koina. Khoản đầu tư này là một phần trong vòng gọi vốn hạt giống (Seed) của Koina.

VinaCapital Ventures rót vốn một triệu USD vào Koina để đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VinaCapital

VinaCapital Ventures rót vốn một triệu USD vào Koina để đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lập

Việc gọi vốn thành công gần đây từ các quỹ đầu tư sẽ giúp ban lãnh đạo nền tảng công nghệ nông nghiệp này tiếp tục tập trung vào các sản phẩm cây trồng, mở rộng các sản phẩm khác trong danh mục rau quả (thị trường hơn 10 tỷ USD) và có thể mở rộng sang các ngành hàng khác như thủy sản, vốn là một lợi thế lớn của nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital Ventures, nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Sứ mệnh của Koina cũng như các startup nền tảng công nghệ nông nghiệp khác là trở thành trung tâm sáng tạo đổi mới của ngành nông nghiệp, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam thúc đẩy nông nghiệp xanh và áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp.

"Chúng tôi hy vọng sẽ chung tay góp sức không chỉ để cải thiện chuỗi cung ứng mà còn cả đời sống của nông dân Việt Nam", ông Hoàng Đức Trung cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm