Bên cạnh những cái tên như Anh, Pháp hay Đức, đất nước Italy cũng là cái tên được nhiều du khách yêu thích khi nhắc tới du lịch châu Âu. Năm 2015, con số lượt khách quốc tế nước này đón lên tới hơn 50 triệu lượt, đồng thời đứng thứ 5 trên thế giới vào thời điểm đó.
Nổi tiếng với các tuyến du lịch văn hóa và môi trường, tính đến năm 2017, Italy sở hữu 53 di sản thế giới và là đất nước nhiều di sản nhất trên thế giới. Trong số các thành phố nổi tiếng như Milano, Venezia hay Firenze, một cái tên không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Italy chính là thủ đô Rome. Đặc biệt, nơi đây có đài phun nước Trevi, một trong những đài phun nước lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, được đặt cho biệt danh là "kiệt tác vĩnh cửu".
Chính vì sự nổi tiếng của mình nên mỗi du khách khi đến Rome đều phải đến đài phun nước Trevi một lần. Nó được tạo ra chủ yếu từ đá vôi và đá cẩm thạch Carrara, nổi bật giữa đài phun nước là tượng một vị thần Oceanus cưỡi trên một chiếc xe ngựa hình vỏ sò, được kéo bởi những chú nghựa và 2 vị thần Triton, xung quanh là nhiều bức tượng khác được điêu khắc tỉ mỉ và công phu.
Đài phun nước Trevi ở thủ đô Rome nước Ý, được đặt cho biệt danh là "kiệt tác vĩnh cửu". (Ảnh Wikipedia)
Tuy nhiên, nhiều du khách đã chia sẽ thực tế "phũ phàng" khi đến địa điểm này. Đó là thay vì được thảnh thơi ngắm nhìn dòng nước trong xanh, thì khung cảnh trước mắt chỉ toàn người là người. Marialena Galani, một du khách ghé thăm đài phun nước Trevi vào tháng 1 vừa qua đã chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình video được quay trực tiếp tại đây.
Có chiều rộng là hơn 49m, song mọi vị trí xung quanh đài phun nước Trevi đều chật kín người. Đoàn người đông đúc còn xếp thành nhiều vòng nối nhau bên ngoài để đợi đến lượt, được tiến tới đài phun nước gần nhất có thể.
Du khách chia sẻ trên trang cá nhân khung cảnh chật cứng người ở mọi hướng ở đài phun nước Trevi. (Video Tiktok @marialenagalani)
Bên dưới video của Marialena Galani, nhiều người dùng trên khắp thế giới nhận xét rằng, họ cũng đã từng gặp phải tình cảnh tương tự. Số khác lại đưa ra lời khuyên rằng, tốt hơn hết hãy đến sớm nhất có thể, thậm chí là vào nửa đêm hay sáng sớm. Một người dùng với tài khoản tên Bob cho hay: "Tôi đã đến đây vào 2 giờ sáng thì mới có thể cảm nhận được không gian tĩnh lặng. Không có bất kỳ ai xung quanh để phải chen chúc và ngắm nhìn đài phun nước vào ban đêm rất tuyệt."
Một tài khoản khác là Anime Guy cũng đưa ra lời khuyên: "Là một người đã sinh sống ở Rome được 3 năm, tôi khuyên mọi người hãy đến đây vào buổi sáng thật sớm. Không chỉ đài phun nước mà bất kỳ địa điểm du lịch nổi tiếng nào cũng vậy."
Tại sao du khách lại muốn đến gần đài phun nước Trevi đến thế?
Chỉ là một đài phun nước, tại sao du khách lại muốn đến gần hết mức có thể như vậy? Chẳng phải đứng từ xa cũng có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của công trình này hay sao, bởi nó có chiều cao lên tới hơn 26m?
Thực tế, việc phải đến thật gần nhằm phục vụ một hành động, đó là ném một đồng xu xuống đài phun nước. Theo quan niệm truyền thống, bất cứ ai ghé thăm đài phun nước Trevi cũng sẽ ném một hoặc nhiều đồng xu qua vai.
Quan niệm này bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Khi những người ném đồng xu vào nước, các vị thần sẽ ủng hộ hành trình của họ hoặc giúp họ trở về nhà an toàn. Ngoài ra giờ đây, mọi người cũng có niềm tin rằng, ném những đồng xu xuống đài phun nước, sẽ giúp cho những điều ước của họ thành sự thật, đặc biệt là những lời ước về gia đình hay tìm kiếm tình yêu.
Du khách luôn muốn đến gần đài phun nước nhất có thể để ném những đồng xu xuống. (Ảnh BBC)
Có giả thuyết cho rằng, khi ném một đồng xu xuống, sẽ khiến bạn trở lại thăm Rome, hai đồng xu thì sẽ làm bạn đem lòng yêu một người La Mã, còn ba đồng xu là tín hiệu cho tiếng chuông đám cưới của bạn. Cho dù tất cả những điều trên chỉ quan niệm truyền thống từ lâu đời và giả thuyết, song rất đông du khách đã tin vào điều này và khi đến đài phun nước Trevi thì không thể không ném xu xuống.
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4000 Euro được ném xuống đài phun nước Trevi. Và khi số xu dưới mặt nước đã đầy, chính quyền địa phương sẽ cử một đơn vị đến để thu gom. Sau đó, toàn bộ số tiền sẽ được trao cho một tổ chức từ thiện của Italy mang tên Caritas.
Số tiền sau khi được ném xuống đài phun nước sẽ được vớt lên và giao cho tổ chức từ thiện. (Ảnh Ellen Curtin)
Caritas là tổ chức dành cho những người nghèo ở Roma, sẽ sử dụng tiền cho chương trình siêu thị dùng thẻ thanh toán và giúp người nghèo mua đồ tạp hóa. Hiện nay, công tác thu gom số tiền bên dưới đài phun nước đã được thực hiện hàng ngày, bởi nạn trộm cắp diễn ra, khi chúng thường lợi dụng buổi đêm để lấy tiền xu ra khỏi đài phun nước. Năm 2011, từng có 3 tên bị bắt vì tội danh này và bởi một chương trình truyền hình sử dụng máy quay ẩn.
Được xây dựng vào năm 1762, sau hơn 250 năm đón hàng triệu lượt du khách, tuy nhiên cũng có những ngày đài phun nước Trevi "đóng cửa". Tiêu biểu là sự kiện năm 1996, đài phun nước đã bị tắt và đổ vào cpepe màu đen để tôn vinh nam diễn viên Marcello Mastroianni sau khi ông qua đời.
Đài phun nước Trevi xuất hiện trên bộ phim La Dolce Vita (1960), từ đó khiến địa điểm này nổi tiếng hơn bao giờ hết. (Ảnh ilmessaggero)
Mastroianni là người đóng vai chính trong La Dolce Vita (1960), một bộ phim có cảnh nổi tiếng nhất được quay ở Đài phun nước Trevi. Đây chính là bộ phim đã khiến đài phun nước trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết và cũng là bộ phim giúp đưa đưa điện ảnh Italy ra thế giới khi đồng thời đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes và giải Oscar cùng năm 1960.