Hiện nay, có một vấn đề mà nhiều người trẻ ngày nay gặp phải đó là cơ hội ở các thành phố nhỏ quá ít, mà chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn lại quá cao. Không ít người đã phải đắn đo nên ở lại hay về quê.
Bắt 3 chuyền tàu, 1 chuyến xe, mất 2 tiếng để đến chỗ làm
Tháng 7 năm 2021, Hồ An Viên và bạn trai Trương Hy từ Hồ Bắc đến Thâm Quyến (Trung Quốc) để làm việc.
Khi đó họ vẫn đang thuê một căn phòng đơn nhỏ. Giống như nhiều người trẻ khác ở Thâm Quyến, họ dậy rất sớm vào mỗi buổi sáng, bắt tàu điện ngầm, chuyển sang xe buýt để đến công ty.
Trung bình, cặp đôi phải dành 2 tiếng đồng hồ để đến công ty, đợi 3 tàu điện ngầm, 1 tuyến xe bus mới đến nơi. Họ thức dậy lúc 6:30 mỗi sáng, đến công ty lúc 8:30, tan sở lúc 6:00 chiều và về nhà lúc 8:00 tối. Sau khi ăn tối và nghỉ ngơi, gần như đã hết một ngày.
An Viên mô tả cuộc sống của mình giống như "đi tới đi lui trên một con đường cố định". Việc di chuyển mất nhiều thời gian khiến cô gần như cạn kiệt năng lượng, một ngày chỉ xoay quanh chuyện đi làm mà không có thời gian tận hưởng.
Trên thực tế, giống như nhiều thanh niên lang thang ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu, họ cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có nơi nào để ở.
Hình minh họa. Ảnh: Toutiao
Mua một chiếc xe làm nhà di động
Sau một thời gian đắn đo, vào cuối năm 2021, An Viên và Trương Hy đã chọn một chiếc RV để tối ưu hóa cuộc sống. RV là chữ viết tắt của Recreational Vehicle, hay còn gọi là "nhà xe", bởi không gian trên xe được thiết kế như một ngôi nhà tiện nghi có thể di chuyển mọi nơi.
Là một người làm truyền thông, Trương Hy đã quay lại quá trình thay đổi cuộc sống từ việc lựa chọn, mua, sửa đổi và những khoảnh khắc thú vị để đăng tải lên mạng xã hội. Mục đích ban đầu của anh là để ghi lại và chia sẻ cuộc sống, thứ hai là hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập từ mạng xã hội.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những thước phim của cặp đôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Sau khi cải tạo xong, mọi thứ nên có trong xe RV đều có sẵn, chẳng hạn như TV, máy lạnh, nhà vệ sinh, máy giặt…
Theo đánh giá của An Viên và Trương Hy, một chiếc RV có tính cơ động cao và có thể đỗ ngay gần nơi làm việc của hai người. Thậm chí họ có thể đi bộ đến cơ quan hàng ngày.
Chưa kể đến việc sử dụng “xe nhà” giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí đi lại, có thể ngủ nướng vào mỗi buổi sáng, ăn sáng đơn giản và đi bộ đến văn phòng trong vòng 10 phút. An Viên và bạn trai mô tả cảm giác của họ sau khi chuyển sang sống trong một chiếc RV đó là "tự do và bất ngờ".
Họ có nhiều thời gian hơn để làm quen với những người lạ, thưởng ngoạn phong cảnh ở nhiều nơi. Khi rảnh rỗi vào cuối tuần, cặp đôi thường lái xe RV của mình đi vòng quanh Thâm Quyến. Điểm lợi của việc ở trên xe là không cần phải đóng gói hành lý và thậm chí không phải suy nghĩ về việc đi lại hay chỗ ở.
Xe dù nhỏ nhưng vẫn đủ sống. Ảnh: Toutiao
Tiết kiệm nhưng có "điểm trừ"
Thực tế không có gì là hoàn hảo: Cuộc sống trên chiếc xe RV cũng có những điểm bất tiện. Bức ảnh nhiệt độ trong xe hơi lên đến 46,6 độ C khiến cư dân mạng nghi ngờ: Cuộc sống RV có thực sự tốt như vậy không? Vấn đề điện nước, bãi đậu xe rác thải sinh hoạt đặt ra những bài toán khó.
Nhiều quan điểm cho rằng RV hoàn toàn không thích hợp để ở lâu dài. Đồng thời, cụm từ "ăn mày ở bãi đậu xe" nhanh chóng trở thành hot search trên Weibo.
Vào mùa hè ở Thâm Quyến, điện sạc 1 lần có thể không đủ cho một ngày. Chỉ cần điện trong xe bị cắt vào nửa đêm, điều hòa không bật thì cũng có thể tưởng tượng ngột ngạt như thế nào.
Tệ hơn nữa, trong tình huống này, họ thậm chí không được tắm vòi hoa sen. Trên xe không có nước máy, tất cả nước đều được trữ sẵn trong nên không thể tùy ý sử dụng.
Số nước dự trữ chủ yếu dùng để uống và nấu ăn trong sinh hoạt, còn lại rất ít để tắm rửa. Trước đây, khi thuê nhà, bạn có thể dành 20 hoặc 30 phút trong phòng tắm. Nhưng hiện tại, thời gian tắm của họ chỉ có thể kéo dài 5 - 6 phút.
Ngoài vấn đề sạc điện, nước, điều khiến họ lúng túng là việc xử lý rác thải sinh hoạt.
"Ngôi nhà" chỉ đủ cho 2 người. Ảnh: Toutiao
Cuộc sống xê dịch lý tưởng nhưng không phải điểm đến cuối cùng
An Viên và Trương Hy không phủ nhận cuộc sống trên “ngôi nhà di động” có nhiều bất tiện nhưng họ cho rằng bản thân vẫn có thể khắc phục được những điểm này. Đời sống trên RV có thể bất tiện, nhưng đó là sự lựa chọn tốt nhất của họ vào thời điểm này.
Cặp đôi đã từng nghĩ đến việc cải thiện cuộc sống bằng cách đổi nhà gần công ty hơn, nhưng chi phí quá đắt đỏ. Trước đó, dù đã chọn nơi xa trung tâm, tiền thuê nhà hàng tháng của hai người khoảng 2.500 NDT, đi lại mất khoảng 800 NDT, cộng thêm một số chi phí phát sinh, tiêu dùng hàng tháng gần 7.000 NDT.
Nếu muốn chuyển đến gần công ty, họ sẽ phải trả thêm khoảng 3.000 NDT. Đây là con số không hề nhỏ đối với An Viên và Trương Hy. Chi phí sinh hoạt cao và cuộc sống vất vả đặt họ vào tình huống khó xử. Và chiếc xe RV chính là giải pháp “tiện cả đôi đường”.
Cả hai ước tính, tiền thuê nhà hàng tháng là 2.500 NDT. Như vậy 5 năm thuê nhà tiêu tốn 150.000 NDT. Trong khi đó, một chiếc RV cũ chỉ tốn 130.000 NDT.
Hơn nữa, RV có thể đỗ ở bất cứ đâu, tiết kiệm được tiền đi lại. Như vậy nếu chuyển sang sống trên xe, trong 5 năm, hai người có thể tiết kiệm 198.000 NDT (khoảng 690 triệu đồng) tiền thuê nhà và chi phí đi lại.
Dù cuộc sống hiện tại đã khá ổn nhưng cả Hồ An Viên và Trương Hy đều cho rằng RV chỉ là một lựa chọn tương đối tốt, không phải là giải pháp cuối cùng.
Trong tương lai, cặp đôi còn có dự định kết hơn, việc gia đình 3 người sống trong chiếc ô tô cũng là một bài toán cho cặp đôi. Nếu sau này có con, thì cuộc sống thực sự bất tiện, họ vẫn sẽ cân nhắc việc thuê nhà.
Cả hai khẳng định mình chọn RV vì một cuộc sống tốt đẹp hơn và sẽ cân nhắc những ưu và nhược điểm thay vì chỉ bị ràng buộc bởi một định kiến nào đó.