Đây chưa phải mức tăng đáng kể so với nhiều mảnh đất vườn, đất nông nghiệp ở tỉnh này.
Ghi nhận cho thấy, đất vườn, đất nông nghiệp Đắk Lắk có dấu hiệu sốt từ thời điểm cuối năm 2021. Đất nông nghiệp tại xã Ea Kao có giá từ 500– 700 triệu đồng/sào, 400-600 triệu/sào tại xã Ea Tu, còn xã Hòa Thắng dao động 400 – 600 triệu đồng/sào; với những khu vực có view ao hồ, bờ ruộng, tựa núi đồi… có giá lên đến 1 tỷ đồng/sào. Đáng nói, mức giá trên là do "cò đất" đưa ra buôn bán.
Từ tháng 1/2022, tình hình giao dịch nhà đất tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trở nên nhộn nhịp chưa từng thấy. Không chỉ người dân địa phương, nhiều nhà đầu tư từ Tp.HCM và các tỉnh phía Bắc cũng đổ xô về đây "săn" đất. Khu vực được nhiều người tìm mua nhất là xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột và dọc tuyến Quốc lộ 26. Giao dịch tấp nập khiến cho giá đất bị đẩy lên cao. Bên cạnh đất thổ cư, giá đất vườn hay đất rẫy tại các khu vực này cũng thay đổi từng ngày.
Tại khu vực xã Ea Tu, lô đất 410m2 nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xuân Nguyên được rao bán với giá 5 tỷ đồng. Trước đó chưa đầy 10 ngày, lô đất này có giá chỉ 4,5 tỷ đồng.
Không chỉ đất nền phân lô, đất rẫy đang trồng cây lâu năm như cà phê, tiêu ở xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk cũng được rao bán nhan nhản và giá thì tăng theo từng ngày. Gần đây, nhiều người dân đổ về đây tìm mua đất không phải để làm nông mà vì nắm bắt được thông tin dự án đường cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột quy hoạch đi qua đây.
Mảnh đất gần 5.000 m2 (5 sào Nam bộ) tại Đắk Lắk thời điểm trước Tết được môi giới rao bán với giá 350 triệu đồng thì hiện tại, sau nhiều lần qua tay NĐT giá đã lên mức 800 triệu trong vòng 4-5 tháng.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk: Trong 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch về đất đai trên địa bàn tăng đột biến với 103.000 lượt, tăng gần 44.000 giao dịch (tức tăng gần 200%) so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, giao dịch mua bán đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, đặc biệt là tại các xã và vùng phụ cận TP.Buôn Ma Thuột, ven hồ, ven suối và vùng gần các công trình trọng điểm. Phân khúc giao dịch mua bán đất tập trung tại đất vườn, đất ở có vườn và mức giá thì cao hơn thời điểm quý 4/2021.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất như tác động quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; tác động từ các dự án trọng điểm được trung ương đầu tư; tác động phát triển quy hoạch đô thị, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lạm phát, xung đột và tâm lý đám đông.
Việc sốt đất đã tạo ra các hệ lụy như khó khăn trong thực hiện và quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, khiếu kiện, xung đột tăng lên, thất thu cho ngân sách khi giao dịch mua bán đất.
Một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số thấy giá đất tăng cao thì bán đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm…
Mới đây, Tỉnh này tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm soát thị trường bất động sản, chống thất thu tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất. Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm soát thị trường bất động sản, chống thất thu tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phải sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của UBND tỉnh thay thế Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 20.10.2020 về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khảo sát bổ sung thêm tình hình giá đất trên thị trường thời điểm hiện nay theo từng khu vực, từng tuyến đường nhằm hoàn thiện dự thảo đảm bảo nguyên tắc giá đất ban hành sát giá đất thị trường theo thời điểm.
Không chỉ Đắk Lắk, đất vườn tại Đồng Nai, Lâm Đồng cũng "nóng" hầm hập.
Tại Lâm Đồng, những khu đất đồi ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà… giá cũng nhảy loạn xạ nhưng gần đây đã chững lại sau khi cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án phân lô, bán đất nền trái quy hoạch. Giá đất ở các địa phương này hiện dao động từ 900 triệu đến 2,5 tỉ đồng/sào (1.000 m2) tùy khu vực, vị trí. Dù giá đất có dấu hiệu chững lại nhưng mặt bằng giá đất tại Bảo Lộc, Lâm Đồng hiện đã neo cao. Có nơi giá đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, khu vực Định Quán, Cẩm Mỹ… đất vườn, đất nông nghiệp vẫn sôi động. Nhiều nhóm nhà đầu tư vẫn tham gia mua bán, chuyển nhượng đất vườn, đất nông nghiệp. Giá vì thế cũng biến động tăng mạnh trong đầu năm đến nay. Có khu vực mức tăng 30% so với trước Tết.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng xu hướng mua đất nông nghiệp, đất nghỉ dưỡng ở các tỉnh nở rộ trong vài năm gần đây, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn bùng mạnh hơn sau đợt giãn cách xã hội. Từ bán kính 100-120 km, hiện nhiều người chấp nhận xa hơn 200- 300 km để mua được đất rẻ.
Nguyên nhân của xu hướng này, theo ông Quang, là do hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh sau dịch vẫn còn khó khăn nên nhiều người chuyển hướng "cất tiền" vào đất. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng mang tính thỏa mãn nhu cầu đầu tư của cá nhân chứ ít người tính đến việc gia tăng giá trị của đất. Việc này rất dễ tạo ra cung - cầu giả, gây "sốt" đất ảo, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của địa phương.