Thời sự

Dân số đông hơn, người Việt cũng ham làm giàu nhưng vì sao lượng doanh nghiệp hoạt động ít hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia?

Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện với chủ đề "Doanh nghiệp kiệt sức, cần quyết sách mạnh mẽ", TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đặt ra vấn đề vì sao dù dân số đông hơn Thái Lan, Malaysia nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động lại ít hơn hai nền kinh tế cùng khu vực trên.

TS. Nguyễn Tú Anh cho biết theo số liệu từ Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có 897.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Doanh nghiệp đang hoạt động 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1%, với tốc độ như vậy cùng hiện trạng nền kinh tế, ông Tú Anh đáng giá khả năng đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025 là vô cùng khó, nếu không muốn nói là bất khả thi.

"So sánh với hai nước trong khu vực, dân số Thái Lan khoảng 70 triệu người, nhưng họ có hơn 3,2 triệu doanh nghiệp vừa vừa nhỏ. Dân số Việt Nam gần 100 triệu người mà chưa đạt đủ 900.000 doanh nghiệp chứ chưa nói đến con số 1 triệu", ông nói thêm và nhấn mạnh để tạo ra giá trị của nền kinh tế, doanh nghiệp là công cụ chủ đạo.

 

 

Ngân hàng Thế giới từng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm có chỉ số kinh doanh khởi nghiệp cao, nghĩa là người Việt không phải là không có mong muốn làm giàu, thành lập doanh nghiệp, đóng góp cho bản thân và nền kinh tế.

"Tuy nhiên tại sao số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam lại ít. Chúng ta cần nhìn ở góc độ hệ thống động lực khuyến khích người dân Việt Nam lập doanh nghiệp có vấn đề. Nếu có tiền, người Việt thường sẽ đầu tư vào những kênh khác an toàn hơn, mang lại lợi ích chấp nhận được hơn là đầu tư, thành lập doanh nghiệp và đối mặt rủi ro có thể mất tất cả", ông nói.

Ngoài ra, chi phí tiếp cận vốn của Việt Nam quá cao, việc tiếp cận các nguồn lực khác như đất đai cũng rất khó khăn. Vị chuyên gia cho rằng cần giảm chi phí thành lập doanh nghiệp, giảm bớt rủi ro trong quá trình hoạt động doanh nghiệp. "Những giải pháp đó sẽ góp phần khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp. "Càng nhiều doanh nghiệp thì cơ hội phát triển kinh tế đất nước càng cao", ông nói.  

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 78.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Nói thêm về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết nhiều doanh nghiệp rơi nhiều vào trạng thái hoang mang.

"Trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn ngắn hạn, họ lại thấy những bài toán, thách thức mang tính hệ thống. Điển hình như doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với những yêu cầu mới từ thị trường đến dồn dập như yêu cầu mới của Đức về chuỗi cung ứng, yêu cầu của châu Âu về cấm nhập sản phẩm liên quan nạn phá rừng", bà nói.

Bà cho biết trong 6 nhóm sản phẩm châu Âu đề cập thì có 3 nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, còn những yêu cầu mới về cơ chế liên quan thuế carbon, yêu cầu liên quan chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho rằng những công tác thực thi chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả, vẫn còn những vấn đề tồn tại trong thủ tục triển khai các chính sách hỗ trợ, thủ tục hành chính. Bà nhấn mạnh Chính phủ phản hồi rất nhanh những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên khâu tổ chức thực thi những chỉ đạo đó lại chưa được như kỳ vọng. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm