Quá trình này kéo dài vài trăm triệu năm được gọi là Chu trình Wilson. Ví dụ, Đại Tây Dương ra đời khoảng 180 triệu năm trước, khi siêu lục địa Pangea tan rã, và một ngày nào đó Đại Tây Dương cũng sẽ suy tàn, theo trang Scitech Daily.
Và Địa Trung Hải hiện nay là phần còn lại của đại dương lớn Tethys - từng tồn tại giữa châu Phi và Âu Á.
Các đới hút chìm đang từng bước xâm lấn Đại Tây Dương
Để một đại dương như Đại Tây Dương ngừng phát triển và bắt đầu suy tàn, các đới hút chìm mới phải hình thành. Đó là nơi một mảng kiến tạo chìm xuống bên dưới một mảng kiến tạo khác.
Nhưng các đới hút chìm khó hình thành vì nó đòi hỏi các mảng phải bị gãy và uốn cong, nhưng các mảng lại rất chắc chắn.
Một cách thoát khỏi “nghịch lý” này là hãy xem xét rằng các đới hút chìm có thể di chuyển từ một đại dương đang hấp hối mà chúng đã tồn tại như Địa Trung Hải vào các đại dương nguyên sơ, chẳng hạn như Đại Tây Dương. Quá trình này được gọi là “cuộc xâm lược hút chìm”.
Nghiên cứu mới lần đầu tiên cho thấy một cuộc xâm lược trực tiếp như vậy có thể xảy ra.
Mô hình 3-D tính toán và dự đoán rằng đới hút chìm hiện ở bên dưới eo biển Gibraltar sẽ lan rộng hơn vào bên trong Đại Tây Dương và góp phần hình thành đới hút chìm Đại Tây Dương, tạo thành một vòng lửa Đại Tây Dương.
Điều này sẽ xảy ra “sớm” về mặt địa chất nhưng không thể trước 20 triệu năm.
Xâm lược hút chìm vốn là một quá trình ba chiều đòi hỏi các công cụ mô hình hóa và siêu máy tính tiên tiến mà cách đây vài năm không có. João Duarte, tác giả, nhà nghiên cứu tại Instituto Dom Luiz, thuộc khoa khoa học của Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha), giải thích: “Giờ đây, chúng tôi có thể mô phỏng sự hình thành của Vòng cung Gibraltar một cách chi tiết và cả cách nó có thể phát triển trong tương lai xa”.
Sự hút chìm tích cực ở vùng Gibraltar
Nghiên cứu này làm sáng tỏ việc hình thành đới hút chìm Gibraltar, vốn đã chậm lại đáng kể trong 1 triệu năm qua, và giai đoạn chậm của nó sẽ kéo dài thêm 20 triệu năm nữa, sau đó sẽ xâm chiếm Đại Tây Dương và tăng tốc.
Đó sẽ là sự khởi đầu của quá trình "tái chế" lại lớp vỏ Trái đất ở phía đông Đại Tây Dương và mở đường cho việc Đại Tây Dương bắt đầu suy tàn.
“Nghiên cứu vùng hút chìm Gibraltar là một cơ hội vô giá vì nó cho phép quan sát quá trình suy tàn của Đại Tây Dương ở giai đoạn đầu khi nó mới diễn ra”, ông João Duarte cho biết thêm.
Nghiên cứu này là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu thuộc khoa khoa học của Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) và các nhà nghiên cứu của Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức).