Nội dung hội nghị tập trung chủ yếu về chính sách quản lý và ứng dụng liên quan đến lĩnh vực giao dịch điện tử và thương mại điện tử.
Các kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để đánh giá thực trạng quản lý và phát triển của giao dịch điện tử tại các nền kinh tế lớn và mới nổi tại châu Á.
Ngoài ra hội nghị đưa ra cái nhìn sâu sắc về lĩnh vực đang ngày càng cần thiết, và quan trọng nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế số - xã hội số.
Ông Adrian Athique - phó giáo sư đến từ Đại học Queensland (Úc), trưởng ban tổ chức hội nghị - nói rằng hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam duy trì các mạng lưới hợp tác đa ngành hiện có và khởi xướng các mạng lưới hợp tác đa ngành mới.
Hội nghị cũng là nơi tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, các học viên cao học, nghiên cứu sinh cọ xát nhằm tìm kiếm cơ hội, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
"Xu hướng giao dịch số trên thế giới có sự thay đổi khác nhau tại các nước lớn. Tại Việt Nam, việc thanh toán giao dịch cũng đang theo xu hướng số hóa và hạn chế dùng tiền mặt hơn.
Hội nghị không chỉ tập trung bàn tới việc tiêu thụ, giao dịch, thanh toán như thế nào tại Việt Nam, mà Việt Nam sẽ làm như thế nào để những người buôn bán nhỏ, người ở nông thôn có thể tiếp cận với việc giao dịch số mà không gây gánh nặng quá lớn về mặt hạ tầng", ông Adrian chia sẻ.
Cũng theo ông Adrian, những cá nhân muốn tham gia thương mại điện tử, giao dịch số thì phải xây dựng khả năng mở rộng, quản lý khách hàng của mình qua các kênh thương mại điện tử và kèm theo một số kỹ năng về công nghệ thông tin.
"Nhà nước phải đảm bảo giúp người dân các giao dịch đó an toàn, dễ hiểu. Về phía các ngân hàng phải xây dựng các mạng lưới để đảm bảo các giao dịch đấy đáng tin cậy" - trưởng ban tổ chức hội nghị nói.