Doanh nghiệp

Đại gia xăng dầu miền Tây nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng

Trong danh sách công khai nợ thuế của Cục thuế tỉnh Hậu Giang đến hết 30/11/2023, Công ty cổ phần thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) - một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với 70 cửa hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long - đứng đầu với số tiền nợ 1.185 tỷ đồng.

Vì thế, giữa tháng 12/2023 Cục thuế tỉnh Hậu Giang đã cưỡng chế hành chính bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong một năm (đến 17/12/2024) với NSH Petro.

Giải thích lý do chậm trễ nộp thuế, Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết từ cuối 2022 do ảnh hưởng kinh tế và biến động thị trường xăng dầu, công ty gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế 200 tỷ đồng năm 2022, trong khi đều lãi 5 năm trước đó.

"Thực tế công ty vẫn kinh doanh bán hàng và nộp thuế theo từng lần phát sinh 18%. Doanh nghiệp đã giải trình với Cục thuế Hậu Giang và có phương án khắc phục thanh toán nợ thuế trong năm nay", theo NSH Petro.

Cửa hàng phân phối xăng dầu của Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.

Cửa hàng phân phối xăng dầu của Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu. Ảnh: NSH Petro

Doanh nghiệp này cho biết đều hoàn tất nghĩa vụ thuế hơn nghìn tỷ mỗi năm, như 2021 là 1.775 tỷ, và 1.224 tỷ đồng vào 2022.

Việc chậm nộp thuế của NSH Petro còn có lý do thời gian qua doanh nghiệp tập trung nguồn tiền nhập hàng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Việc này nhằm đảm bảo nguồn cung, tránh đứt gãy thị trường xăng dầu. Mặt khác, trong 3 tháng (tháng 4-7/2023), công ty cũng mua lại trước hạn hai gói trái phiếu, tổng giá trị 250 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục thuế, xin tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ nộp dần tiền nợ thuế.

Nam Sông Hậu hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, khí hóa lỏng, do ông Mai Văn Huy làm chủ tịch và nắm khoảng 62,5% vốn. Công ty là một trong những doanh nghiệp xăng đầu mối với khoảng 70 cửa hàng và 550 đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Không riêng Dầu khí Nam Sông Hậu, gần đây nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác cũng bị cục thuế các địa phương cưỡng chế vì nợ thuế. Gần nhất, bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức bị tạm hoãn xuất nhập cảnh do doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế gần nghìn tỷ đồng và khai thiếu thuế bảo vệ môi trường trong nhiều năm.

Kết luận thanh tra xăng dầu được Thanh tra Chính phủ công bố hôm 4/1 cũng cho thấy, đến cuối tháng 10/2022 nhiều đầu mối xăng dầu khai thiếu, nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ thuế bảo vệ môi trường lên tới 6.323 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thương nhân đầu mối lại cho một số cá nhân vay hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm