Thù lao của Chủ tịch Tập đoàn FLC tăng mạnh
Hiện Hội đồng quản trị FLC có các thành viên là ông Đặng Tất Thắng, bà Bùi Hải Huyền và ông Lã Quý Hiển. Ông Thắng đang giữ chức vụ chủ tịch, trong khi bà Bùi Hải Huyền giữ chức danh Tổng giám đốc.
Theo tờ trình để các cổ đông thông qua, mức thù lao 2022 đề cử cho chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị FLC là 20 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên trong hội đồng quản trị sẽ nhận thù lao 15 triệu đồng/người/tháng.
Mức thù lao của vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch FLC ghi nhận mức tăng mạnh so với dưới thời cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Ông Đặng Tất Thắng
Trước đó, số liệu từ Báo cáo tài chính tự lập năm 2021 của Tập đoàn FLC cho thấy cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các thành viên trong Hội đồng quản trị nhận thù lao chỉ 120 triệu đồng, tương đương mức thù lao 10 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2021, FLC cũng chỉ chi 180 triệu đồng trả thù lao cho các thành viên ban kiểm soát. Tính bình quân, mỗi thành viên ban kiểm soát tập đoàn FLC trong năm 2021 nhận thù lao chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Bầu Thụy mất tới gần 20.000 tỷ đồng kể từ đầu năm
Thời gian qua, mã cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings ghi nhận mức giảm mạnh, là một trong những mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất tại HNX-Index.
Với đà lao dốc của THD, khối tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy ở mã cổ phiếu này ghi nhận mức giảm hàng nghìn tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 10/6, khối tài sản của đại gia Ninh Bình tại CTCP Thaiholdings giảm chỉ còn hơn 3.417 tỷ đồng.
Trước đà lao dốc của THD thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Thụy đã thông báo sẽ bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu Thaiholdings - tương ứng thoái 24,97% vốn từ ngày 01-30/06. Động thái muốn bán sạch cổ phần sở hữu tại Thaiholdings khiến áp lực đè nặng lên cổ phiếu này.
Cùng với THD, trong tuần giao dịch vừa qua, mã cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt nơi ông Nguyễn Đức Thụy làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị cũng ghi nhận mức giảm.
Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 10/6, khối tài sản của bầu Thụy trên sàn chứng khoán hiện chỉ còn hơn 11.000 tỷ đồng. Tương đương, khối tài sản của đại gia 46 tuổi người Ninh Bình đã “bốc hơi” gần 20.000 đồng kể từ đầu năm đến nay.
Chi tiền khủng để chia thưởng, nhà đại gia Chu Thị Bình giàu cỡ nào?
Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) do nữ đại gia Chu Thị Bình làm Chủ tịch đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông 2022 sẽ diễn ra vào ngày 24/6 tới.
Theo tài liệu công bố, MPC của nữ đại gia Chu Thị Bình dự kiến phát hành mới 199,9 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 1.999 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp chăn nuôi tôm này gấp đôi lên 3.998 tỷ đồng.
Cùng với đó, Minh Phú cũng sẽ trình các cổ đông mức chi cổ tức năm 2021 là 23% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận thêm 2.300 đồng). Như vậy công ty sẽ phải bỏ ra khoảng 460 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.
Đại gia Chu Thị Bình
Theo báo cáo quản trị năm 2021, nữ Chủ tịch của Minh Phú, bà Chu Thị Bình đang trực tiếp nắm giữ hơn 35 triệu cổ phiếu MPC, bên cạnh đó ông Lê Văn Quang - chồng bà Bình đồng thời là Tổng giám đốc của Minh Phú cũng đang trực tiếp nắm giữ hơn 32 triệu cổ phiếu MPC. 3 người con của bà Bình cũng đang nắm giữ lượng cổ phiếu đáng kể của MPC.
Thống kê cho thấy, 5 thành viên của gia đình nữ đại gia người Thái Bình đang trực tiếp nắm giữ gần 82,9 triệu cổ phiếu MPC. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 8/6, khối tài sản gia đình nữ Chủ tịch Chu Thị Bình đang nắm giữ có giá trị hơn 4.200 tỷ đồng.
Với việc đang nắm trực tiếp hơn 41% số cổ phiếu đang lưu hành của MPC, gia đình nữ đại gia Chu Thị Bình cũng sẽ nhận được phần lớn số cổ phiếu thưởng và số tiền cổ tức của doanh nghiệp. Chỉ tính riêng số tiền cổ tức gia đình nữ đại gia người Thái Bình có thể nhận được lên tới hơn 190 tỷ đồng.
Đại gia thu 700 tỷ đồng sang tay 3 triệu cổ phiếu Hóa chất Đức Giang là ai?
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) mới đây đã phát đi thông báo cho biết ông Đào Hữu Tu, bố vợ Trưởng ban kiểm soát Nguyễn Văn Kiên, đã bán thỏa thuận xong 3 triệu cổ phiếu DGC.
Theo công bố, thời gian thực hiện từ ngày 31/5 đến 2/6. Sau giao dịch, ông Tu đã giảm lượng nắm giữ tại DGC xuống 342.038 đơn vị, tương đương 0,2% vốn.
Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6 của DGC ở mức giá 233.600 đồng/cổ phiếu, ước tính số tiền ông Đào Hữu Tu thu được từ đợt thoái vốn này khoảng 700,8 tỷ đồng.
Sau thoái vốn, số tài sản của ông Tu tại DGC có giá thị trường khoảng 89 tỷ đồng (theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 6/6).
Như vậy, ông Hữu Tu hoàn thành bán 3 triệu cổ phiếu DGC trước thời điểm chốt danh sách cổ đông nên sẽ không được hưởng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho số cổ phiếu đã bán của mình. Trong khi đó, vị “đại gia” giấu mặt nhận sang tay 3 triệu cổ phiếu DGC của ông Tu sẽ được nhận chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 117% lần này.
Chủ tịch mới của Thuduc House là ai?
Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (mã chứng khoán: TDH) vừa công bố quyết định miễn nhiệm ông Dương Ngọc Hải khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Như vậy, ông Dương Ngọc Hải rời ghế Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HoSE: TDH) trong vòng hơn 3 tháng kể từ khi được bổ nhiệm từ ngày 22/3/2022 thay cho ông Lữ Minh Sơn từ nhiệm ngày 14/3..
Người được bầu làm chủ tịch thay thế là ông Nguyễn Huy Hoàng. Sau biến động trên, ông Hải vẫn ở lại Thuduc House trong vai trò Thành viên độc lập trong HĐQT.
Tân Chủ tịch Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1975, là cử nhân kinh tế. Ông từng công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Intimex, Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Việt – Khang An,…
Cùng với đó, HĐQT Thuduc House cũng miễn nhiệm ông Dương Ngọc Hải khỏi chức vụ chủ tịch theo nguyện vọng cá nhân.
Trong vòng 2 quý đầu năm, Thuduc House đã qua 3 đời chủ tịch HĐQT. Vị trí lãnh đạo cao nhất của Thuduc House liên tục biến động kể từ khi ông Lê Chí Hiếu, cựu Chủ tịch, từ nhiệm ngày 8/2.