Kinh doanh gặp khó, tỷ phú Trần Đình Long nhận lương bao nhiêu?
Công ty CP Tập đoàn Thép Hòa Phát vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022. Theo đó, cả năm 2022, doanh thu của Thép Hoà Phát chỉ đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận cả năm đạt 8.444 tỉ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch, trong khi năm 2021 Hòa Phát lãi kỷ lục tới 34.475 tỉ đồng.
Cùng với đà kinh doanh sụt giảm, ông Trần Đình Long và các lãnh đạo Hòa Phát nhất trí không nhận thù lao năm 2022 và quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để dùng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện, HĐQT của Hòa Phát có 8 người, bao gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 3 Thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.
Kinh doanh của doanh nghiệp tỷ phú Trần Đình Long gặp nhiều khó khăn trong năm qua
Tuy vậy, tập đoàn vẫn trả lương tổng lương và thưởng cho Ban Giám đốc Hòa Phát là 5,26 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2021.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên công ty của tỉ phú Trần Đình Long không chia cổ tức kể từ khi niêm yết. Trong khi những năm trước vẫn trả cổ tức đều đặn 20%-50%/năm.
Tài sản DN của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam tăng hơn 110 nghìn tỷ đồng trong một năm
Sovico Group do vợ chồng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khởi nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Tập đoàn này có vốn điều lệ 9.600 tỷ đồng, hình thành hệ sinh thái đa ngành từ tài chính, ngân hàng, hàng không, bất động sản đến công nghiệp.
Mới đây, doanh nghiệp do nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bất ngờ công bố công khai thông tin về tài chính trước kiểm toán năm 2022.
Theo công bố, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp từ 11.248 tỷ đồng tăng lên mức 49.237 tỷ đồng, tức có thêm nguồn vốn gần 38.000 tỷ đồng trong năm.
Trong khi đó, tổng tài sản thậm chí tăng thêm hơn 110 nghìn tỷ đồng chỉ sau một năm khi tăng từ hơn 55 nghìn tỷ đồng lên mức hơn 165 nghìn tỷ đồng (gần 7 tỷ USD). Khoản lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán tài chính cũng tăng từ hơn 1.572 tỷ đồng lên hơn 12.113 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn tài sản của Sovico Group là các khoản phải thu ngắn hạn (59.405 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (58.026 tỷ đồng) vào các đơn vị thành viên và hàng tồn kho gần 20.000 tỷ đồng.
Có thêm hơn 200 tỷ đồng, tài sản tiến sĩ 55 tuổi vượt mốc 6.680 tỷ đồng
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 21/3. Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 9,33 điểm để đóng cửa ở 1.032,43 điểm. Cùng với đà phục hồi của chỉ số chính VN-Index, mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 650đ/cổ phiếu tương đương mức tăng 3,3% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức giá 20.350đ/cổ phiếu. Với mức tăng này, VPB là một trong những mã ghi nhận mức tăng tích cực trong rổ chỉ số VN30.
Khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng vượt mốc 6.680 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu VPB
Đà tăng mạnh của VPB trong phiên giao dịch ngày 21/3 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này còn giúp khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng và những người thân ghi nhận mức tăng hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể với việ đang trực tiếp nắm giữ hơn 328 triệu cổ phiếu VPB, khối tài sản của tiến sĩ 55 tuổi ghi nhận mức tăng thêm hơn 213 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 6.686 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khối tài sản của 2 người thân của ông Dũng là bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Dũng và bà Vũ Thị Quyên - mẹ ông Dũng cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 212 tỷ đồng và 211 tỷ đồng nhờ đà tăng của lượng cổ phiếu đang nắm giữ.
Kết phiên giao dịch ngày 21/3, khối tài sản bà Hoàng Anh Minh đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 6.649 tỷ đồng, trong khi khối tài sản của bà Vũ Thị Quyên trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 6.631 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của nữ đại gia vàng mỗi ngày lãi hơn 9 tỷ đồng
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần 6.976 tỷ đồng, giảm 1,3% so với mức nền cao và lợi nhuận sau thuế 556 tỷ đồng, tăng 6,4% so với mức lợi nhuận kỷ lục cùng kỳ năm trước do thay đổi cơ cấu hàng hóa. Nguyên nhân cho sự giảm nhiệt tăng trưởng theo PNJ do sức mua trầm lắng trước những biến động vĩ mô thời gian gần đây. Ngoài ra, mức nền so sánh 2 tháng đầu năm ngoái khá cao, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ thấp.
Biên lợi nhuận gộp trung bình lũy kế 2 tháng đạt 19,4%, cải thiện so với mức 17,7% cùng kỳ. Tổng chi phí hoạt động luỹ kế 2 tháng tăng 11%, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ 45,5% lên 47% do nền giá cao hơn bởi ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Khối tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng hơn 340 tỷ trong một ngày
Phiên giao dịch 24/3, VN-Index ghi nhận mức tăng 1,69 điểm để đóng cửa ở mức 1.046,79 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số chính sàn chứng khoán Việt Nam. Mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Chủ tịch ghi nhận mức tăng 500đ/cổ phiếu tương đương mức tăng 1% so với phiên liền trước. VIC kết phiên giao dịch cuối tuần ở mức giá 53.300đ/cổ phiếu.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất chuyển đổi hơn 50,7 triệu cổ phiếu để góp vốn vào GSM
Vào ngày 21/3 vừa qua, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn vào Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh GSM. Sau giao dịch, tỷ phú người Hà Tĩnh còn trực tiếp nắm giữ hơn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, tương đương tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ của Tập đoàn Vingroup.
Với đà tăng của VIC trong phiên giao dịch ngày 24/3, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận tăng hơn 345,6 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, tỷ phú 55 tuổi đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 36.844 tỷ đồng.