Công nghệ

Gordon Moore - huyền thoại của ngành bán dẫn

Intel và gia đình Moore cho biết ông mất tại nhà riêng ở Hawaii ngày 24/3. Ông đồng sáng lập Intel năm 1968 và góp phần quan trọng trong việc đưa bộ xử lý "Intel Inside" vào hơn 80% laptop trên thế giới.

Năm 1965, ông đăng bài dự báo số bóng bán dẫn (transistor) trên mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi mỗi năm, sau đó được sửa đổi thành chu kỳ 18 tháng. Phát hiện này, được gọi là Định luật Moore, trở thành nền móng cho một dự báo khác: nhân đôi số bóng bán dẫn đồng nghĩa tăng gấp đôi hiệu suất của CPU theo chu kỳ tương tự.

"Các mạch tích hợp sẽ dẫn đến những điều kỳ diệu như máy tính gia đình hoặc ít nhất là các thiết bị đầu cuối được kết nối với máy tính trung tâm, điều khiển tự động cho ôtô và thiết bị liên lạc di động cá nhân," Gordon Moore dự đoán trong bài báo từ hai thập kỷ trước khi diễn ra cuộc cách mạng PC và hơn 40 năm trước khi iPhone xuất hiện.

Gordon Moore, nhà đồng sáng lập Intel, cha đẻ của Định luật Moore. Ảnh: AP

Gordon Moore, nhà đồng sáng lập Intel và cha đẻ của Định luật Moore. Ảnh: AP

Bài báo trở thành kim chỉ nam để Intel và ngành chip nỗ lực đưa bộ vi xử lý trở nên hiệu quả hơn và rẻ hơn theo cấp số nhân. Điều này giúp thúc đẩy phần lớn tiến bộ công nghệ của thế giới và là nền tảng cho sự ra đời của không chỉ máy tính cá nhân mà cả kỷ nguyên Internet và những người khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Apple, Facebook, Google.

Hơn 50 năm qua, Định luật Moore chứng minh sự đúng đắn, tạo động lực phát triển cho nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, sản xuất, dịch vụ tới công nghiệp, truyền thông, mở đường cho nhiều mảng kinh doanh mới ra đời như thương mại điện tử, mạng xã hội và thiết bị di động.

Reuters dẫn lời ông Moore trong một cuộc phỏng vấn năm 2005: "Thật tuyệt khi được ở đúng nơi, đúng thời điểm. Tôi rất may mắn khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi được trao cơ hội, không chỉ tạo ra một bóng bán dẫn silicon mà còn đặt 1,7 tỷ bóng bán dẫn vào một chip. Đó là một hành trình phi thường".

Mặc dù dự đoán chính xác về kỷ nguyên bùng nổ của máy tính, Moore nói với Forbes rằng ông đã không tự mua một máy tính gia đình cho đến cuối những năm 1980.

"Doanh nhân gặp may"

Moore là người gốc San Francisco, lấy bằng Tiến sĩ về hóa học và vật lý năm 1954 tại Viện Công nghệ California. Sau đó, ông làm việc tại Phòng thí nghiệm Chất bán dẫn Shockley, nơi ông gặp người đồng sáng lập tương lai của Intel, Robert Noyce.

Là một trong "tám kẻ phản bội", Moore cũng đồng đội đã rời phòng thí nghiệm và thành lập Fairchild Semiconductor năm 1957. Năm 1968, Moore và Noyce tiếp tục rời Fairchild để mở công ty chip nhớ Intel, viết tắt của Integrated Electronics. Ông cùng cộng sự dẫn dắt Intel vượt qua giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của tập đoàn trong những năm 1980 và 1990.

Trong phỏng vấn với Fortune, Moore tự nhận là "doanh nhân gặp may". Trước đó, ông gần như không có bất kỳ mong ước cháy bỏng nào về việc khởi nghiệp. Nhưng số phận đã kết nối ông với Noyce và Grove của Intel.

Trong khi Noyce đặt nền móng về lý thuyết và chiến lược cho kỹ thuật chip, Moore là người đã xắn tay áo và dành thời gian để điều chỉnh bóng bán dẫn và những thiết kế chưa hoàn thiện của Noyce. Còn Grove là bậc thầy về điều hành và quản lý công ty.

Tài năng không thể chối bỏ của Moore cũng truyền cảm hứng cho các kỹ sư làm việc cho ông. Intel đã phát minh ra bộ vi xử lý mở đường cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Moore là chủ tịch điều hành cho đến 1975. Giai đoạn 1979-1987, ông là chủ tịch kiêm CEO Intel. Năm 2023, tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông khoảng 7,2 tỷ USD.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, ông là tay câu cá thể thao lão luyện. Năm 2000, ông và vợ đã thành lập quỹ hoạt động vì môi trường. Quỹ đảm nhận các dự án như bảo vệ lưu vực sông Amazon. Ông cũng ủng hộ dự án tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI), đóng góp hàng trăm triệu USD cho Viện Công nghệ California, để nơi đây đi đầu trong công nghệ và khoa học. Gordon Moore nhận Huân chương Tự do, vinh dự dân sự cao nhất của Mỹ từ tổng thống George W. Bush vào năm 2002.

(theo Reuters)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm