
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN. (Ảnh: SBV).
Vì sao tiền đồng mất giá khi USD yếu đi?
Tại họp báothông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng nay (8/7), ông Phạm Chí Quang -Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã chia sẻ về lý do VND liên tục mất giá so với đồng USD trong khi đồng bạc xanh yếu đi.
Ông Quang cho biết từ đầu năm tới nay, do sự thay đổi chính sách nhanh chóng của Mỹ bao gồm chính sách về thuế, chính sách tài khoá và cả chính sách tiền tệ, chỉ số USD Index (DXY) - đo lường sức mạnh của đồng USD - có giai đoạn đã giảm hơn 10%. Nhiều đồng tiền trên thế giới có sự phục hồi tốt nhưng VND vẫn mất giá khoảng 2,7 - 2,8% so với USD.
Theo ông Quang, có rất nhiều lý do khiến cho tiền đồng mất giá trong thời gian qua. Theo nguyên tắc, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì phải duy trì lãi suất, tức giá của đồng tiền đó. Trong khi đó thời gian qua dưới chỉ đạo của Chình phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ông nhận định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá cao (năm nay 8% và tăng hai con số các năm sau), NHNN đã điều hành rất nhiều biện pháp trong đó có giảm lãi suất cho vay, con số thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,6 điểm % từ đầu năm, kéo dài chuỗi giảm lãi suất cho vay từ 2022 tới nay.
Theo ông Quang, để duy trì mức lãi suất thấp, chúng ta cần sự đánh đổi và một trong số đó là vấn đề tỷ giá. Chúng ta luôn duy trì điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản dồi dào, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp.
"Mặt bằng lãi suất của VND trong thời gian qua luôn duy trì ở mức thấp để đảm bảo cho các TCTD có thanh khoản, có chi phí vốn thấp, để từ đó có giá vốn cho vay hấp dẫn hơn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", ông Quang nói.
Khi duy trì lãi suất thấp, thì chênh lệch lãi suất giữa VND và đồng USD sẽ bị âm và khi đó đồng USD sẽ trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường tiền tệ, việc cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ có biến động, các TCTD sẽ có hành vi nắm giữ đồng tiền có lãi suất cao hơn, ông Quang chỉ rõ.
Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, hiện cân đối cung cầu ngoại tệ của Việt Nam hiện đang rất tốt, cán cân thanh toán tốt có thặng dư. Tuy nhiên, điều quan trọng trên thị trường là dòng tiền, hiện đang chuyển động rất nhanh. Kênh đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán đang ghi nhận chuỗi rút ròng liên tục từ năm 2024 trở lại đây.
Điều này khá khác so với các thị trường các nước châu Á hoặc trong khu vực (khi USD mất giá thì dòng vốn đang có xu hướng quay trở lại).
Hai yếu tố lớn ảnh hưởng tới tỷ giá
Dự báo về các yếu tố ảnh hưởng tỷ giá,Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá chính sách thuế quan của Mỹ và chính sách của Fed là hai biến số lớn sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hai chính sách này sẽ ảnh hưởng tới sự dịch chuyển các dòng vốn trên toàn cầu (dòng vốn đầu tư, dòng vốn FDI,...) và các nhà đầu tư sẽ tận dụng các "thiên đường thuế" để tranh thủ ưu đãi về thuế với các mặt hàng xuất khẩu.
Ông lý giải Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, đặc biệt sang Mỹ, do đó chính sách thuế quan của Mỹ tác động rất lớn, không chỉ tới Việt Nam mà còn tới các đối tác khác tới Việt Nam. Do đó sẽ tác động lớn tới tỷ giá và lãi suất trong nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã trì hoãn liên tiếp quá trình giảm lãi suất mặc dù luôn luôn khẳng định sẽ có hai lần giảm lãi suất trong năm. Theo ông, sự biến động khó lường của chính sách giảm lãi suất của Fed nó tác động rất lớn tới xu hướng, sự ổn định của lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
Vụ trưởng cũng lưu ý mặc dù nền kinh tế có sự phục hồi nhất định nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn. Do đó, sự bền vững của tăng trưởng kinh tế là một điều hết sức cần cân nhắc, điều này cũng tác động ngược trở lại với các quyết sách điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất trong nước.