Sáng 21/5, thảo luận về dự luật Đường bộ, bà Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Ngoài ra, chủ trương này còn bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. TP Hà Nội, TP HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Song, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.
“Nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương”, đại biểu Thủy nhìn nhận.
Đề nghị cấm hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật
Góp ý kiến vào dự thảo luật, bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm là lấn chiếm sử dụng xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Tuy nhiên, quy định này cần phải loại trừ đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 32 của dự thảo, bao gồm các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật; hoặc thể hiện lại khoản 3 Điều 7.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trong khi đó khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật quy định tổ chức cá nhân khi xây dựng, cải tạo, mở rộng, bảo trì công trình và tiến hành các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được phép theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật.
“Như vậy, đối với các hành vi cải tạo, mở rộng công trình và các hoạt động khác nếu không được phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ có bị coi là vi phạm điều cấm hay không? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ để quy định các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm đầy đủ, bao quát ”, đại biểu nêu rõ.
Có chung mối quan tâm, bà Nguyễn Thị Huế, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vào các hành vi bị nghiêm cấm.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác theo Nghị định 100 năm 2019 có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó, việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.