- Theo ông, thành phố này đã đạt được những dấu ấn điển hình nào trong quá trình định hình chân dung phát triển?
Thứ nhất, Đà Nẵng đã khẳng định được bản sắc mang tầm cỡ quốc tế. Điều đó đem lại niềm tự hào không chỉ riêng với Đà Nẵng mà còn cho cả Việt Nam.
Những gì đang khẳng định bản sắc của Đà Nẵng rất rõ ràng như các bãi biển đẹp, phong cảnh núi non, sông nước và cả những công trình đẳng cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort... Đó là điểm nhận diện. Lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức ở tầm thế giới, Bà Nà Hills được đổi mới liên tục bằng nhiều trải nghiệm mới. Những địa điểm, sự kiện này chứng minh được sức hấp dẫn đặc biệt của Đà Nẵng. Cầu Vàng khi vừa xuất hiện, người dân Việt Nam còn chưa biết tới thì đã nổi tiếng khắp mạng xã hội và truyền thông nước ngoài.
Thứ hai, PCI của Đà Nẵng luôn giữ ở vị trí cao, điều mà ít tỉnh thành nào làm được. Vì thế, Đà Nẵng đang đi đúng hướng để thu hút nhà đầu tư, những "tay chơi lớn". Tuy nhiên, dù đang ở vị trí cao cũng không nên nghĩ mình ở đỉnh cao mãi được. Đà Nẵng phải tiếp tục chứng minh cách làm của mình, đó là liên tục đổi mới để khẳng định đẳng cấp, nếu dừng lại thì có thể sẽ tụt hậu. Thành phố không chỉ đặt mục tiêu đua tranh với các địa phương của Việt Nam mà là với quốc tế.
- Vậy Đà Nẵng cần làm gì trong cuộc đua tranh với quốc tế?
Cuộc đua tranh thu hút du lịch, đầu tư toàn cầu đang thay đổi ghê gớm. Bây giờ cần phải du lịch thông minh, du lịch MICE tức thu hút những hội nghị quốc tế tầm cỡ cao, thi đấu thể thao, sàn diễn thời trang hay sàn diễn quốc tế hạng nhất, hoạt động liên quan đến kinh tế số cũng phải tổ chức được. Thêm vào đó thủ tục visa phải tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, không nên tạo ràng buộc.
Dịch vụ kết nối phải làm tốt hơn nhiều. Dịch vụ đẳng cấp mà ngay cả trực thăng cấp cứu không có, trực thăng di chuyển cho những người giàu chỉ đến công tác vài ngày cũng không có, hay cảng tàu biển hạng nhất, bến du thuyền hạng nhất chưa có. Đà Nẵng có lẽ mới chỉ dành cho tầng lớp trung lưu chứ chưa phải là thành phố để tận hưởng dịch vụ đẳng cấp nhất. Qua đó chúng ta thấy Đà Nẵng còn có nhiều việc phải làm.
Ngoài ra, thành phố không nên chỉ lấy du lịch làm cách tiếp cận duy nhất. Đà Nẵng phải là thành phố đáng sống theo nghĩa là nơi những người xuất chúng chọn để sống. Đó mới là sự sáng tạo. Đây phải là mảnh đất cho những người tài đến sống, bảo đảm cho họ sự tự do sáng tạo. Điều này cực kì quan trọng và cũng rất khó để thực hiện.
Muốn làm như vậy thì Đà Nẵng phải vươn lên, cũng giống như Singapore – từ một mảnh đất bùn lầy đã vươn lên gần như thượng đỉnh của thế giới trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút du lịch.
- Lâu nay Đà Nẵng được gọi là "thành phố đáng sống". Theo ông, với tình hình hiện tại, thành phố phải làm thế nào để xứng đáng với danh xưng ấy?
Đáng sống hơn đáng đến theo nghĩa: đến là để tận hưởng, ăn chơi, khám phá, còn sống là phải làm việc, cống hiến. Đà Nẵng đang cố gắng trở thành nơi đáng để cống hiến, làm việc sáng tạo và là một thành phố an toàn, bình yên. Phải làm sao để những người về hưu, người có tiền đến mua nhà ở chứ không phải chỉ đến thăm con, đi chơi xong rồi về Hà Nội, Sài Gòn...
Thế thì, khi đã đáng sống theo kiểu cống hiến, định vị mình như một thành phố trẻ sáng tạo, một mảnh đất nhiều cơ hội tương lai thì câu chuyện đầu tư sẽ tiếp tục hướng theo như vậy.
Đà Nẵng phải là một đô thị thông minh trong thời đại số. Cho nên, phải quan tâm tới hạ tầng số. Điều đó mới tạo ra sức hút người tài, người có năng lực cống hiến cho khoa học công nghệ, sáng tạo. Làm được những nhiệm vụ đó chắc chắn không thể chỉ trông đợi vào tiền đầu tư Nhà nước mà phải có liên minh phát triển giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
- Theo ông, Đà Nẵng đứng trước những áp lực gì khi muốn thu hút người tài, người giàu, nhân sự chất lượng cao đến an cư, cống hiến?
Khi thảo luận những vấn đề tương lai của Đà Nẵng thì nổi lên câu chuyện: Đợt Covid-19 cho thấy nếu chỉ phát triển du lịch thì sẽ bị phụ thuộc vào một ngành và tiềm ẩn rủi ro. Cho nên, thành phố cần tiếp tục nâng cấp du lịch, nhưng để khẳng định một môi trường "đáng sống" thì phải làm sao để người ta cảm thấy giảm thiểu được rủi ro.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp, những khu đô thị đáng sống hạng sang ven sông vẫn còn tiềm năng phát triển tốt. Những đô thị mà "nhất cận thị – nhị cận giang" đều rất phát triển. Chính quyền phải có tầm nhìn quy hoạch, phải biết mời những người biết làm và có năng lực vào làm, nếu không sẽ làm hỏng tiềm năng.
Tôi cho rằng, theo cách đặt vấn đề như thế, chân dung thành phố này đúng theo nghĩa không phải hội tụ xô bồ mà mang một đẳng cấp khác biệt. Ngoài ra còn khoảng trống kết nối Đà Nẵng với Huế - Hội An, mở biên ra để cho không gian sáng tạo hướng về Quảng Nam là những vấn đề đang được tích cực đặt ra.
Theo ông, những doanh nghiệp lớn cần làm gì để phát huy hết tiềm năng của Đà Nẵng?
Thành phố này cần là một hình mẫu để thu hút "đại bàng" - những tập đoàn lớn. Tôi hay lấy ví dụ về Sun Group. Khi mời được Sun Group vào là đã giúp Đà Nẵng định hình chân dung tương lai của mình – chân dung khác biệt, đẳng cấp. Những tổ chức khác biệt sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng trở nên khác biệt.
Vậy khi Đà Nẵng mời các nhà đầu tư khác đến họ cũng phải chiếu theo tiêu chuẩn này. Điều đó giúp xác định diện mạo tương lai, bảo đảm các doanh nghiệp vừa, nhỏ cùng với tập đoàn lớn hợp lực thành sức mạnh để đưa Đà Nẵng phát triển.
Địa phương nào biết nhìn về tương lai theo tầm nhìn vĩ mô thì sẽ phải đi săn "đại bàng" chứ không phải chờ "đại bàng" đến. Những con "đại bàng" sẽ giúp cho địa phương kích hoạt hết tiềm lực. Nguyên tắc đó các tỉnh đang vận dụng rất mạnh nhưng không phải nơi nào cũng thành công giống nhau mà sẽ tùy thuộc vào chiến lược.