Tài chính

Đồng USD mạnh lên làm xáo trộn mọi ngóc ngách của hệ thống tài chính, thiệt hại chỉ mới bắt đầu

Dồn dập những diễn biến khó ngờ

George Boubouras đang ở nhà riêng ở khu đông thành phố Melbourne (Australia), tham gia một trận đấu cricket thì điện thoại của ông đột ngột réo ầm ĩ.

Lúc đó khoảng 22h45 ngày 13/7, tin nhắn và điện thoại liên tục đổ đến, không khí rất cấp bách và khẩn trương. Đồng euro vừa tụt xuống ngang giá với đồng USD - một mức gần như không thể tưởng tượng được.

Mọi người, từ các khách hàng, nhà quản lý quỹ đến nhà giao dịch, đều muốn biết Boubouras - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của K2 Asset Management - khuyến nghị gì. Câu trả lời của anh rất đơn giản: “Đừng đối đầu đồng bạc xanh lúc này”.

Chỉ hơn một giờ sau, một cú sốc ập đến. Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) - vốn cũng đang vật lộn để giữ cho đồng nội tệ ổn định so với USD như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác, bất ngờ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản. Hầu như không ai lường trước động thái đó.

Khoảng 10 tiếng sau, lại thêm một cú sốc khác. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - tức ngân hàng trung ương của quốc đảo sư tử, đã can thiệp vào thị trường ngoại hối khi thông báo một nỗ lực nhằm kéo đồng SGD trở lại mức cao hơn so với USD.

Tại thời điểm này, điện thoại của Mitul Kotecha cũng bắt đầu đổ chuông không ngừng. Là một chiến lược gia tại TD Securities, Kotecha đang đi nghỉ mát cùng vợ tại một khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan.

Đó là dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới của ông và vợ. “Tất cả chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, thật điên rồ. Tôi không thể tin được tại sao mọi thứ đảo lộn như thế này”, vị chiến lược gia bày tỏ.

Đồng USD - xương sống cho hoạt động thương mại toàn cầu, đang trên đà tăng chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Đồng tiền này đã tăng 15% so với rổ tiền tệ chính kể từ giữa năm 2021.

 

Sự đi lên của USD chủ yếu bắt nguồn từ việc Fed mạnh tay tăng lãi suất và gây xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu: làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực và làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo tại khắp nơi trên thế giới; đẩy Sri Lanka vào cảnh vỡ nợ; và gây tổn thất chồng chất cho các nhà đầu tư cổ phiếu lẫn trái phiếu.

Trong bối cảnh Fed quyết tâm tăng lãi suất để dập tắt lạm phát - ngay cả khi điều này có thể nhấn chìm nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào suy thoái, các nhà quan sát cho rằng hầu như không có công cụ nào để cản đà tăng của USD.

Tất cả gợi nhớ về chiến dịch chống lạm phát mà Chủ tịch Fed Paul Volcker dẫn dắt vào đầu những năm 1980. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người nhắc tới khả năng hồi sinh Hiệp định Plaza - thoả thuận mà các nhà hoạch định chính sách quốc tế đặt ra để kiềm chế đồng USD vào thời điểm đó.

Một thoả thuận tương tự lúc này nghe có vẻ xa xôi. Song, giữa lúc một số chỉ số thị trường cho thấy đồng USD có thể dễ dàng tăng lên mức cao trước kia lần nữa, qua đó làm xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu và gây đau đớn cho nền kinh tế chung, thì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi những đồn đoán nóng lên.

Thiệt hại khắp mọi ngõ ngách

Đà tăng giá nhanh chóng của đồng bạc xanh đang tác động đến cuộc sống của người dân trên khắp thế giới, bởi đây là “chất bôi trơn” cho hoạt động thương mại toàn cầu. Khoảng 40% trong tổng 28,5 nghìn tỷ USD giao dịch thương mại toàn cầu hàng năm được thực hiện bằng USD.

Ông Joey Chew - chiến lược gia tại HSBC Hong Kong, bình luận: “Lo ngại về suy thoái đã thúc đẩy sức mạnh của đồng USD, sau đó điều kiện tài chính bị siết chặt lại dẫn đến nhiều rủi ro suy thoái hơn. Không có giải pháp tức thì nào cho vấn đề này”.

Nhu cầu đối với đồng bạc xanh nóng lên vì một lý do đơn giản: khi thị trường toàn cầu trở nên bất ổn, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn. Và như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) từng nói, sự an toàn đó “hiện chủ yếu nằm ở đồng USD”.

Quy mô và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn khó ai địch lại, trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn là một trong những tài sản an toàn nhất để lưu trữ tiền và đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối toàn cầu.

 

Nhiều đồng tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang bị ảnh hưởng. Ngoài sự sụt giảm của đồng euro, đồng yen Nhật cũng đã tụt xuống mức thấp nhất trong 24 năm khi các nhà đầu tư đổ xô tìm lợi suất cao hơn.

Đối với nhiều thị trường mới nổi, thiệt hại còn tồi tệ hơn. Đồng rupee của Ấn Độ, peso của Chile và rupee của Sri Lanka đã chạm mức thấp kỷ lục trong năm nay, bất chấp nỗ lực của một số ngân hàng trung ương nhằm làm chậm đà giảm.

Cơ quan quản lý tiền tệ của Hong Kong đã mua vào đồng HKD với tốc độ kỷ lục để bảo vệ cơ chế neo tỷ giá của đặc khu này, trong khi ngân hàng trung ương Chile đã bắt đầu kế hoạch can thiệp trị giá 25 tỷ USD sau khi đồng peso mất hơn 20% trong 5 tuần.

Ông Luca Paolini - chiến lược gia tại Pictet Asset Management, cho biết: “Tất cả đều sẽ không mang lại hiệu quả…các ngân hàng trung ương ở những thị trường mới nổi không thể xoay xở được mấy”.

Đồng USD mạnh lên giúp gia tăng lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu thô và xuất khẩu nguyên liệu thô, cũng như các công ty đa quốc gia như Toyota Motor. Du khách người Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi khi ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các gã khổng lồ công nghệ - vốn vẫn mang một phần lợi nhuận toàn cầu trở về Mỹ, lại bị ảnh hưởng. Microsoft cho biết đồng USD đang ăn mòn lợi nhuận của tập đoàn, trong khi IBM đổ lỗi rằng USD mạnh lên là nguyên nhân khiến họ bị siết chặt dòng tiền.

Có lẽ chỉ khách du lịch người Mỹ và một số nước xuất khẩu hàng hoá là vui mừng khi USD tăng giá so với rổ tiền tệ. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Thứ gì có thể cản đà tăng của USD?

Chia sẻ với Bloomberg, ông Vishnu Varathan - trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, cho hay: “Không có gì có thể ngăn chặn đà tăng của đồng USD ngay lập tức, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực Eurozone bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine và tăng trưởng của Trung Quốc trở nên khó đoán”.

“Chúng ta không có lựa chọn thay thế nào cho đồng USD và kết quả là nó sẽ tác động lên mọi thứ khác, các nền kinh tế, các đồng tiền tệ khác và cả lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Varathan nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm