Dọc nhiều tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh hiện rất dễ bắt gặp hàng loạt những sản phẩm nông sản nhập ngoại như dứa Thái, sầu riêng Thái… trong khi thời điểm này cũng đang là vụ thu hoạch trái cây của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc - thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của nước ta đang áp dụng chính sách "Zero Covid", khiến nhiều sản phẩm nông sản từ Việt Nam và cả những nước láng giềng đều phải tìm cơ hội cạnh tranh ngay chính tại thị trường nội địa.
Dù chỉ là một quầy trái cây tại chợ, bà Hồng (Tiểu thương chợ Tân Định) cũng có đủ các phân khúc từ hàng Âu, Mỹ giá vài trăm nghì mỗi kg hay rẻ hơn là hàng Thái Lan, Indonesia… Khách hàng nhu cầu đa dạng, nên phân khúc nào cửa hàng cũng có nhưng nhiều nhất và cạnh tranh trực tiếp với trái cây Việt Nam là hàng Thái Lan.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhập khẩu trái cây liên tục tăng. Trong tháng 4 năm nay, tính sơ bộ kim ngạch nhập khẩu trái cây cũng hơn 160 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng hơn 50% so với năm ngoái. Trái cây ngoại bán phong phú, giá cả không đắt hơn nhiều so với hàng trong nước, hình thức lại bắt mắt nên chuyện thu hút người tiêu dùng cũng là dễ hiểu.
Theo nhiều doanh nghiệp, trái cây Việt hiện xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đơn vị hiện chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít chú trọng nhu cầu từ thị trường trong nước.
"Hiện nay, những sản phẩm trái cây của Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam hay nhiều quốc gia khác đều có giấy chứng nhận đảm bảo, chất lượng với người tiêu dùng. Trong khi ở Việt Nam đều quảng cáo sản phẩm có chất lượng tốt nhưng thiếu chứng nhận", ông Nguyễn Văn Thứ - Giám đốc Công ty GC Food cho hay.
Nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, thị trường Việt Nam là thị trường đáng để quan tâm, đầu tư và sinh lời với gần 100 triệu dân. Người nông dân và doanh nghiệp phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng để cạnh tranh tốt trên sân nhà.