Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng nghiên cứu, triển khai kịp thời các giải pháp để hỗ trợ thị trường chứng khoán ổn định.
Trong đó, HOSE, HNX yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Sở giao dịch chứng khoán đồng thời công bố nội dung báo cáo giải trình của tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch trên trang thông tin điện tử của Sở.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết năm vừa qua chúng ta cũng chứng kiến hàng loạt các cổ phiếu đầu cơ tạo nên những con sóng tương tự như vậy, từ tăng trần đến giảm sàn hàng loạt, có thể kể đến như họ Louis Capital hồi tháng 8,9 năm ngoái.
“Thực ra những hoạt động cung cấp thông tin này trước đây Ủy ban đã làm rất chặt. Tôi nhớ khoảng năm 2007, 2008 mới tham gia thị trường là cổ phiếu tăng trần 5 phiên hay giảm sàn 5 phiên là phải có giải trình.
Tuy nhiên thời gian gần đây không hiểu sao những hoạt động như vậy đều bị bỏ bớt, có thể do doanh nghiệp “kêu” nhiều quá, vì có những cổ phiếu tăng đâu đó 10 – 20 phiên, doanh nghiệp cứ liên tục phải giải trình doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, nhà đầu tư cũng nhàm chán và các Sở, ban, ngành cũng thấy là đang thêm việc”, vị chuyên gia này cho nay.
Theo ông Du, việc giải trình giúp cho mọi người có thông tin để tham khảo, nhưng nhiều khi chúng ta không thể lý giải được bằng các thông tin cơ bản. Trong một năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi ở dạng sắp phá sản, chuyển sang thị trường UPCoM, giá trị sổ sách chỉ còn 1.000 đồng/cp nhưng giá cổ phiếu vẫn lên 15.000 – 20.000 đồng/cp.
“Tôi thấy rất kỳ lạ, vì đây cũng chỉ là những hoạt động đầu cơ thôi. Đã đầu cơ thì họ cũng không nhìn cơ bản nhiều vì đám đông rất nguy hiểm, khi mọi người hào hứng thì nó sẽ lên quá đà, hay khi mọi người sợ hãi quá như bây giờ thì giá trị nó bị đạp xuống quá đà.
Dưới góc nhìn của ông Du, để tìm ra những doanh nghiệp có vấn đề đăc biệt thì mình chỉ cần lập ra những nguyên tắc của cổ phiếu so với mặt bằng chung của thị trường. Ví dụ trung bình thị trường giảm khoảng 10% mà cổ phiếu đó giảm 30 – 40%, những cổ phiếu nào càng xa so với mức trung bình thị trường thì đều phải xem xét giải trình, chứ không nhất thiết phải là 5 phiên trần hay 5 phiên sàn.
Thứ hai, đối với các cổ phiếu giảm sàn ví dụ như những mã này có thanh khoản thì hoàn toàn bình thường. Tức là nếu thanh khoản vẫn duy trì thì bất cứ khi nào nhà đầu tư muốn bán đều có thể bán. Vì trading quan trọng nhất là sự vận hành thông suốt và minh bạch.
Nếu 1 cổ phiếu sàn 10 phiên và ngày nào cũng có thanh khoản, ai muốn bán thì bán thì nó không có gì bất công cả. Chỉ với những cổ phiếu sàn 5 phiên liếp mà mất thanh khoản tới 10 phiên thì đó mới là những trường hợp Ủy ban nên kiểm tra kỹ thôi.
Ví dụ có thể thống kê thanh khoản so với mặt bằng chung của chính cổ phiếu này trước đấy mà lại không có tin tức gì thì rõ ràng doanh nghiệp cần phải có giải trình cho nhà đầu tư. Thường những cổ phiếu đầu cơ mất thanh khoản là những cổ phiếu nguy hiểm nhất còn nếu cổ phiếu đầu cơ vẫn lên xuống có thanh khoản thì đến khi thị giá giảm 5 – 7% nhà đầu tư vẫn cắt lỗ được.
“Mọi người không cắt là lỗi của mọi người thôi. Sợ nhất là cổ phiếu bị “ngắt cầu dao”, không có thanh khoản 5 – 10 phiên. Cá nhân Du đã từng chứng kiến những cổ phiếu sàn 30 – 40 phiên liên tiếp”.
Ông Du nhấn mạnh nếu như một nhà đầu tư non trẻ mới bước vào thị trường và không may mua những cổ phiếu này thì rất khó để làm lại. Khi đó cổ phiếu giảm tới 90% giá trị và rất là nguy hiểm. Nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào những cảnh báo này, trước tiên nên tìm hiểu, có sự phân tích cơ bản về các doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định mua bán.