Bất động sản

Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp xây dựng hậu đổi chủ tại Coteccons

“Đế chế” Coteccons Group tan rã

Dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons ( HoSE: CTD ), Coteccons từ một doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trở thành một tổng thầu thiết kế và thi công (D&B) tung hoành ngang dọc từ Bắc vào Nam. Ông Dương khi đó cho rằng mô hình D&B sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 10% chi phí đầu tư, 30% thời gian thi công, còn Coteccons có thể gia tăng được biên lợi nhuận. Vì vậy, ông Dương xây dựng lên hệ sinh thái Coteccons Group, bao gồm Coteccons và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ như Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons...

Năm 2012, “bong bóng” bất động sản đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng rơi vào khó khăn. Để có dòng tiền, ban lãnh đạo Coteccons đã bán 24,7% cổ phần cho Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Với khoản đầu tư này, Coteccons thoát khỏi khủng hoảng, có lợi thế trong đấu thầu dự án, thậm chí không cần đến khoản tạm ứng 30% từ phía chủ đầu tư khi tham gia đấu thầu như thông lệ.

Coteccons và các công ty trong hệ sinh thái sau đó vang danh trên thị trường xây dựng, khi trúng thầu hàng loạt dự án lớn như Casino Nam Hội An, Times City Park Hill, Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền… Đặc biệt, Coteccons Group còn vượt qua 2 nhà thầu Hàn Quốc là Lotte và SsangYong để làm tổng thầu tòa nhà cao nhất Việt Nam – Landmark 81. Nói đến ngành xây dựng, không thể không nhắc đến tên tuổi số 1 - Coteccons.

Khi kinh doanh đang ở đỉnh cao, ban lãnh đạo Coteccons và Kusto Group lại chẳng thể “cơm lành, canh ngọt”. Mâu thuẫn nhen nhóm nảy sinh từ những năm 2018 – 2019 và được đẩy lên đỉnh điểm vào năm 2020. Nhóm cổ đông ngoại này nhiều lần đưa ra các cáo buộc về xung đột lợi ích của các công ty trong nhóm Coteccons Group, trong đó có Ricons. Họ yêu cầu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công từ chức.

Yêu cầu này sau đó đã thành sự thật. Ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Việt Nam lên làm Chủ tịch Coteccons.

Trước lùm xùm giữa Coteccons và đối tác ngoại, Ricons đã tuyên bố hoạt động độc lập, không còn trong hệ sinh thái Coteccons Group và đưa ra chiến lược phát triển riêng biệt. Coteccons Group tan rã từ đây.

Về nhân sự, trước khi ông Dương và ông Công rời khỏi Coteccons, doanh nghiệp này cũng đã có nhiều lãnh đạo cấp cao từ nhiệm. Nhiều người trong số đó cũng đang là lãnh đạo cấp cao ở các doanh nghiệp xây dựng khác.

Ricons quy tụ nhiều gương mặt quen thuộc của các cựu lãnh đạo Coteccons nhất. Doanh nghiệp này từng được biết đến có nhiều năm đồng hành cùng Coteccons và chỉ mới công bố không còn trong “Coteccons Group” từ năm 2020. Hiện tại, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân, 2 lãnh đạo lâu năm cùng thời với ông Nguyễn Bá Dương tại Coteccons lần lượt làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Ricons.

Một nhân sự cấp cao khác tại Coteccons là Trần Kim Long cũng đã rời đi từ năm 2018 và điều hành Newtecons – doanh nghiệp nhà thầu do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập. Hiện tại, ông Trần Kim Long làm Chủ tịch Newtecons. Ông Võ Thanh Liêm, người từng được giao trọng trách Quyền Tổng giám đốc Coteccons khi ông Nguyễn Sỹ Công từ nhiệm, hiện làm Tổng giám đốc Newtecons.

Ông Trần Quang Tuấn, người có 14 năm làm việc tại Coteccons, giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc cũng đã rời đi và sáng lập, xây dựng lên công ty Xây dựng Central . Hiện, ông là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central. Ông cùng với một đồng sự khác cũng là người cũ tại Coteccons – ông Vũ Đức Tài – tham gia sáng lập Central.

Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp xây dựng hậu đổi chủ tại Coteccons - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xây dựng vươn lên trong cuộc đua giành vị thế. Ảnh: Quang Anh

Nhiều nhà thầu vươn lên

Sau khi Coteccons Group tan rã, thị trường ghi nhận nhiều tên tuổi nhà thầu khác "vươn lên" chính từ sự đổ vỡ của đế chế này. Rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương xuất hiện tại Newteccons với vai trò sáng lập. Ngay trong năm 2021, Newteccons đã thế chân Coteccons ở loạt dự án hạng sang khu vực trung tâm TP HCM của Masterise Group như One Central HCM, Spirit of Saigon, Grand Marina Saigon (quận 1), Lumiere Riverside (quận 2)…

Nhiều người trong ngành nhìn nhận đây là việc chưa từng có tiền lệ xảy ra với Coteccons, cũng là bước ngoặt đánh dấu sự trỗi dậy của Newteccons dưới sự hậu thuẫn từ “ông trùm ngành xây dựng” Nguyễn Bá Dương. Mục tiêu doanh thu năm nay đạt 10.000 tỷ đồng, gấp đôi năm trước, tương đương Ricons và bằng 2/3 so với Coteccons.

Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp xây dựng hậu đổi chủ tại Coteccons - Ảnh 2.

Mục tiêu doanh thu một số doanh nghiệp năm nay. Đơn vị: tỷ đồng

Trong khi đó, Central – đơn vị cạnh tranh trong cùng phân khúc với Coteccons liên tiếp trúng thầu nhiều hợp đồng lớn đến từ những khách hàng truyền thống của Coteccons như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt... Sau khoảng 5 năm thành lập, theo giới thiệu trên website, Central có hơn 1.300 nhân viên, thi công 108 dự án với hơn 14.000 nhân công. Doanh số backlog (giá trị hợp đồng chuyển tiếp) đạt gần 17.300 tỷ đồng.


Central không nêu thời điểm backlog cụ thể nhưng với Hòa Bình, con số này từ 2021 chuyển qua 2022 là 16.000 tỷ đồng, còn Coteccons là 22.000 tỷ đồng. Giá trị trúng thầu mục tiêu của Hòa Bình năm nay là 20.000 tỷ đồng, đã đạt 75% trong nửa đầu năm.

Còn Coteccons, sau giai đoạn nửa năm 2020 không ký mới được một hợp đồng thì năm 2021 đã khởi sắc trở lại với giá trị 25.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong năm này, Coteccons trúng thầu cả dự án dưới 500 tỷ đồng, ghi nhận sự khác biệt hẳn so với trước đây chỉ làm những dự án lớn, giá trị thầu nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự cạnh tranh trong thầu dự án, các doanh nghiệp cũng dần củng cố sức mạnh tài chính và hiệu quả kinh doanh. Năm 2021, ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng Coteccons và Hòa Bình vẫn có lãi tăng lần lượt 112% và 16%. Các doanh nghiệp khác lãi giảm 60 - 80%.

Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp xây dựng hậu đổi chủ tại Coteccons - Ảnh 3.

Đơn vị: tỷ đồng


Về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), Central là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn cả với ROE cao nhất trong số các doanh nghiệp khảo sát, đạt 35% năm 2020 và 26% năm 2021.

Một điều thú vị, mặc dù là những doanh nghiệp lớn có tiếng nhưng Coteccons và Hòa Bình lại có ROE khá thấp. Năm 2021, hai công ty này đạt lần lượt 8,6% và 2,4%, thấp hơn con số trung bình 11% của nhóm doanh nghiệp trên.

Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp xây dựng hậu đổi chủ tại Coteccons - Ảnh 4.

Một con đường, nhiều hướng đi

Ngành xây dựng được nhận định ngày càng cạnh tranh, dư địa dần co hẹp. Nhiều doanh nghiệp phải giảm giá thầu để lấy dự án, tạo doanh thu. Tuy nhiên, Coteccons cho biết không chấp nhận giảm giá thầu để lấy dự án mà chọn chiến lược tối ưu đầu vào và đấu thầu tập trung vào thời điểm. Còn Hòa Bình cho rằng việc hi sinh lợi nhuận để tăng khả năng trúng thầu sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác và được đánh giá, phân tích rất kỹ trước khi ra quyết định.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hòa Bình quyết định con đường mở rộng ra thị trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh mảng hạ tầng công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư công. Mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra là đến năm 2032 phải đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.800 tỷ đồng.

Coteccons định hướng ngoài BĐS dân dụng còn làm các dự án hạ tầng. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, từ năm 2021, Coteccons muốn tham gia một số mảng như xây dựng hạ tầng nhưng vì Covid-19 nên vẫn chưa triển khai được. Hiện tại công ty đang tích cực xúc tiến để tham gia các dự án hạ tầng từ nay tới năm 2025.

Còn Hưng Thịnh Incons, doanh nghiệp vốn chuyên thực hiện dự án của Hưng Thịnh Land, nay đã lên kế hoạch triển khai thêm nhiều dự án mới ngoài hệ sinh thái. Quý II đánh dấu Hưng Thịnh Incons lần đầu ở vai trò tổng thầu dự án bên ngoài hệ sinh thái Hưng Thịnh với dự án Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội). Tổng giá trị thầu 3.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh thu ngoài tập đoàn lên 25% trên tổng doanh thu với nhóm khách hàng tiềm năng được mở rộng, trước mắt là các công ty bất động sản vừa và nhỏ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm