Tài chính

Thay đổi tâm lý "ngại" gửi tiết kiệm dài hạn

Người gửi tiết kiệm hưởng lợi lãi suất

Vừa qua, Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã chính thức có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, người gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng cần tiền đột xuất, nếu rút một phần sẽ vẫn được hưởng mức lãi suất cao cho phần tiền còn lại, thay vì hưởng lãi suất không kỳ hạn thấp như trước.

Nghĩa là, một khách hàng gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5%/năm. Sau 2 tháng, khách hàng cần nguồn vốn đột xuất muốn rút ra 200 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm thì khách hàng vẫn sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất khoảng 0,1%/năm với số tiền cần rút, còn 300 triệu đồng còn lại vẫn tiếp tục gửi đủ kỳ hạn 6 tháng và hưởng trọn lãi suất 5%/năm.

Vui mừng trước quy định mới, bà Tạ Thị Hảo (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã nhanh chóng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm khoản lương hưu tích góp từ mấy tháng nay. Dù trước đó bà đã gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn nhưng lãi suất được hưởng không cao bằng kỳ hạn dài hơn 12 tháng.

Hơn nữa, người già nhiều lúc ốm đau đột xuất nên chẳng biết khi nào phải dùng đến khoản tiền lớn nên bà cũng không dám gửi hết số tiền mình có vào ngân hàng. Nhưng giờ đã có quy định mới, bà không còn phải đắn đo nữa.

Không chỉ riêng bà Hảo mà đây còn là tâm lý chung của nhiều khách hàng khác. Chị Hồng Hạnh, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cho biết, đa phần người dân dự phòng phải chi bất ngờ số tiền lớn sẽ chọn các kỳ hạn ngắn vì bản thân khách hàng không ai muốn phải rút vốn trước hạn. Những khách hàng có khoản tiền nhàn rỗi lớn đa phần sẽ chọn các kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất cao hơn, tối ưu hóa toàn bộ lãi suất tiền gửi nên rất ít khi có ý định rút tiết kiệm trước hạn.

Thực tế để bảo đảm quyền lợi của khách hàng và khuyến khích người gửi tiền yên tâm gửi dài hạn, nhiều ngân hàng nhanh chóng áp dụng quy định mới trong các sản phẩm, dịch vụ về tiết kiệm cho khách hàng.

Đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết, quy định mới về rút tiền gửi trước hạn phù hợp với thực tế thị trường, nhu cầu gửi tiền và bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Nguồn tiền gửi trong trường hợp này cũng linh động hơn. Hiện ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ trong khoảng 3,95 - 6,7%/năm. Đối với các khoản tiền gửi trực tuyến, mức lãi suất cao nhất 7,4%/năm được áp dụng với các kỳ hạn 16 - 36 tháng.

Tương tự, Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa áp dụng tính năng rút trước hạn một phần gốc với sản phẩm "Tiết kiệm Phát Lộc" dành cho khách hàng cá nhân và ‘Tiền gửi linh hoạt của tổ chức’ dành cho khách hàng doanh nghiệp. Hay Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) không chỉ áp dụng việc rút gốc một phần cho các khoản tiền gửi từ ngày 1/8 mà còn áp dụng cho toàn bộ các khoản tiền gửi đang gửi tại ngân hàng, kể cả các khoản tiền gửi trước ngày 1/8.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)... cũng bắt đầu cho khách hàng được rút trước hạn một phần tiền gửi với lãi suất không kỳ hạn, số dư còn lại tiếp tục được hưởng mức lãi suất ngân hàng đã cam kết.

Thuận lợi cả ngân hàng và khách hàng

Theo các chuyên gia, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp quyền lợi của khách hàng được bảo đảm tốt hơn. Khách hàng sẽ tối đa hóa lợi nhuận có được từ nguồn vốn nhàn rỗi và bớt thiệt hơn trong trường hợp cần vốn đột xuất phải rút tiền gửi trước hạn. Đồng thời cho thấy quyết tâm của các ngân hàng trong việc xây dựng văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm.

Không chỉ "cởi trói" cho những băn khoăn, đảm bảo lợi ích cho khách hàng trong việc gửi tiền, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, Thông tư 04 còn giúp các ngân hàng hưởng lợi.

Vì quy định mới tạo điều kiện khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều, dài hạn hơn, các nhà băng sẽ hút được nguồn tiền gửi trung, dài hạn - lý do các ngân hàng cung cấp cho khách hàng nhiều gói sản phẩm gửi tiết kiệm với lãi suất kỳ hạn đa dạng và bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất kể từ tháng 5 vừa rồi. Về vấn đề dòng vốn, mỗi ngân hàng sẽ phải đặt ra quy tắc quản trị dòng tiền tốt hơn nên sẽ không lo xáo trộn vốn ngân hàng.

Cùng chung nhận định này, đại diện một ngân hàng cho biết, quy định mới "giải vây" cho ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn huy động để cho vay, hút được nguồn tiền gửi trung, dài hạn vì đa số lượng tiền gửi của khách hàng chọn kỳ hạn ngắn với mức lãi suất thấp.

Theo thống kê của NHNN có đến 80% nguồn vốn huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường. Trong khi đó, trước áp lực của nền kinh tế, việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn được một số ngân hàng sử dụng một giải pháp tình thế. Vì vậy, Thông tư 04 không chỉ giúp khách hàng hưởng lợi mà cũng hỗ trợ ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn để cho vay trung dài hạn tốt hơn.

Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định rõ: "Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Còn đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm