Các mảnh vỡ nghi là của tên lửa Long March 5B phát hiện ở thị trấn nhỏ Sepupok, Malaysia - Ảnh: MALAYSIA NEWS AGENCY
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B (Long March 5B) được phóng lên quỹ đạo vào tháng 7-2022, mang theo mô đun thứ hai trong trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Xác tên lửa sau đó trở thành rác vũ trụ và rơi không kiểm soát trở lại Trái đất.
Theo tờ Business Insider, phần thân tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã rơi mất kiểm soát khi trở lại Trái đất vào cuối tháng 7.
Thay vì tự rơi xuống Thái Bình Dương - một tiêu chuẩn thông lệ được gọi là quay lại có kiểm soát, tên lửa đẩy đã đi vào quỹ đạo của Trái đất, từ từ mất độ cao trong suốt một tuần và rơi ngẫu nhiên ở vị trí không thể đoán trước.
Vào ngày 30-7, tên lửa đẩy không chịu nổi lực hấp dẫn và rơi xuống Trái đất, vỡ ra trong bầu khí quyển. Ngay sau đó những bức ảnh chụp các vật thể nằm rải rác - có vẻ là các bộ phận của tên lửa - xuất hiện ở Indonesia, Malaysia và Philippines.
Chỉ có Trung Quốc mới có thể chính thức xác nhận những mảnh đó có thuộc về tên lửa đẩy của họ hay không. Tuy nhiên các chuyên gia về mảnh vỡ quỹ đạo nói rằng họ không nghi ngờ gì về việc vật thể bí ẩn đó thuộc về Long March 5B.
Các bức ảnh cho thấy bộ tăng áp đã bị phân hủy từng mảnh khi nó rơi xuống.
Tại làng Pengadang, gần Balaikarangan (Indonesia), phía tây của đảo Borneo, người dân địa phương đã phát hiện một vật thể tròn lớn giống phần lõi của tên lửa Trung Quốc.
"Có một bức ảnh chụp mảnh lớn thùng nhiên liệu nằm trên cánh đồng trông rất thuyết phục. Đường kính phù hợp với thùng nhiên liệu. Nó nằm ngay trên con đường người dân đi lại", ông Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nói với tờ Insider.
Hai mảnh vỡ nhỏ hơn được phát hiện ở các thị trấn nhỏ Batu Niah và Sepupok tại bang Sarawak, nằm trên đảo Borneo, theo báo The Star.
Hôm 3-8, Cơ quan Vũ trụ Philippines đã đưa ra một tuyên bố cho biết tấm kim loại rách - được một ngư dân tìm thấy ngoài khơi bờ biển Mamburao - là một phần của ống dẫn nhiên liệu của tên lửa. Cơ quan này cũng cho biết các bộ phận của bộ tăng áp của tên lửa có thể đã rơi ngoài khơi bờ biển Sulu.
Ông Jay Batongbacal, giáo sư tại Viện Hàng hải và luật của Đại học Philippines, nói với tờ Inquirer của Philippines: "Điều này có nghĩa là đất nước chúng tôi đã bị trúng hai mảnh vỡ từ vụ phóng tên lửa trên".
"Nó cho thấy rủi ro đối với chúng tôi sẽ cao vì Philippines nằm dưới đường bay của hầu hết các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc" - ông nói thêm.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 7, có khoảng 10% các mảnh vỡ có khả năng sẽ rơi trúng một hoặc nhiều người trong vòng 1 thập kỷ tới.