Thời sự

Cùng trong bối cảnh triển vọng toàn cầu yếu đi, kinh tế Việt Nam, Thái Lan và các nước ASEAN đang biến động ra sao?

Quý I/2023 chưa phải quý tệ nhất với một số nước ASEAN

Về tăng trưởng GDP, trong nhóm 5 nước ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Philippines tăng trưởng chậm lại trong quý I/2023. Indonesia giữ mức tăng 5% tương tự quý IV/2022.

Thái Lan là nền kinh tế duy nhất có tăng trưởng quý I/2023 cao hơn quý IV năm ngoái, với mức tăng 2,7% trong quý đầu năm, nhờ tiêu dùng trong nước và du lịch hồi phục mạnh.

 

Xét quý I giai đoạn 2016-2023, quý I/2023 là quý tăng trưởng tốt nhất của Indonesia với mức tăng 5,03%. Tăng trưởng GDP quý I/2023 (5,6%) của Malaysia cũng cao nhất kể từ 2016. Số liệu cũng cho thấy quý I chưa phải quý tồi tệ nhất với Philippines hay Thái Lan,

Với Việt Nam, tăng trưởng GDP quý I/2023 của nước ta chỉ cao hơn mức 3,82% trong quý I/2020.

 

Xuất khẩu của Indonesia cải thiện rõ rệt, một phần nhờ thị trường Trung Quốc

Bên cạnh chỉ số tăng trưởng GDP, số liệu xuất khẩu cũng cho thấy phần nào bức tranh kinh tế của các nước ASEAN.

Trong nhóm 5 nước, so với cùng kỳ, xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng âm liên tiếp từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 (số liệu tháng 5 chưa công bố).

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023, ngoại trừ tháng 2 tăng trưởng dương.

Trong khi đó, xuất khẩu của Indonesia và Malaysia mới chỉ suy giảm từ tháng 3 năm nay.

Trong nhóm ba nước (Indonesia, Malaysia và Việt Nam) đã công bố số liệu xuất khẩu tháng 5, Indonesia là nền kinh tế duy nhất thoát tăng trưởng âm, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng gần 1% so với cùng kỳ. Trước đó trong tháng 4, xuất khẩu của Indonesia sụt giảm hơn 29% so với cùng kỳ - mức sụt giảm lớn nhất trong nhóm 5 nước ASEAN.

Tín hiệu tích cực là đà sụt giảm xuất khẩu có chậm lại, như xuất khẩu của Việt Nam tháng 5 giảm 12,3% so với cùng kỳ, cải thiện nhẹ so với mức giảm hơn 16,2% trong tháng 4; xuất khẩu của Malaysia cải thiện rõ rệt hơn -  chỉ sụt giảm 0,7% so với mức giảm 17,6% tháng trước đó. 

 

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh nhất (hơn 12,2%) so với cùng kỳ; tiếp đến là Indonesia (giảm 6%) và Malaysia (giảm hơn 2,2%). Philippines và Thái Lan chưa công bố số liệu xuất khẩu tháng 5.

 

Nói thêm về Indonesia, xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang các thị trường chủ lực của nước này đều tăng trưởng âm, ngoại trừ thị trường Trung Quốc vẫn tăng hơn 11% so với 5 tháng 2022.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia. Khoáng sản thô, quặng kim loại và thép là những mặt hàng chính mà Indonesia xuất khẩu sang Trung Quốc.

Số liệụ từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, trong 5 tháng 2023, kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng trưởng nổi bật hơn hẳn so với các thị trường ASEAN khác như Việt Nam, Malaysia hay Thái Lan.

Với Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa trở lại chưa phản ánh rõ nét vào lĩnh vực xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu lần đầu tiên chuyển biến tích cực trong tháng 5 (tăng 21,8%) kể từ tháng 10/2022, một phần là nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái. 

 

 

PMI của Việt Nam thấp nhất 

Về chỉ số PMI, trong nhóm 5 nước ASEAN, Việt Nam đạt mức thấp nhất trong tháng 5 (45,3 điểm) đánh dấu ba tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Thấp thứ hai là Malaysia với 47,8 điểm và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm.

Nhận định về ngành sản xuất của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho hay số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các công ty đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. 

 

Về thu hút FDI, ngoại trừ Việt Nam, 4 nước còn lại đều chưa công bố số liệu 5 tháng đầu năm. Trong quý I, thu hút FDI của Philippines giảm 19,6%, xuống còn 2 tỷ USD từ 2,5 tỷ USD trong quý I/2022. 

Cũng trong nhóm giảm là Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, giảm 38,8%.

Số iliệu FDI trong quý I đầu năm của Indonesia, Malaysia và Thái Lan tích cực hơn. Nổi bật nhất là Thái Lan khi FDI vào nước này  đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 115% so với quý I/2022.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm