"Đây là kỳ nghỉ tồi tệ nhất đời tôi", Hoàng Tú, 27 tuổi, nói. Trải qua hàng loạt vòng phỏng vấn khó nhằn, đến đầu 2022, Tú mới trở thành nhân viên chính thức của Google và tham gia nhóm phát triển dự án mới tại Thung lũng Silicon. Dịp Tết vừa qua, anh xin nghỉ phép về Việt Nam để cùng gia đình chia sẻ niềm vui này. Tuy nhiên, cú sốc ập đến vào ngày 20/1 khi anh bất ngờ nhận thông báo sa thải qua email.
"Tôi không được quản lý trực tiếp báo trước, không kịp gặp đồng nghiệp để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tôi cũng không biết báo tin này với người nhà thế nào", cựu kỹ sư Google nói. Anh vội vã kết thúc sớm kỳ nghỉ lễ, quay lại Mỹ để hoàn thành thủ tục và chuẩn bị xin việc mới vì visa H-1B của anh sẽ hết hạn trong 60 ngày sau khi mất việc.
Cùng cảnh ngộ, Hồng Anh, cựu nhân viên Meta, hoang mang vì chỉ còn vài tuần là đến hạn bị trục xuất khỏi Mỹ. Hồng Anh nói tiền bạc không phải vấn đề lớn với cộng đồng kỹ sư Việt ở đây, điều họ lo lắng là phải tìm được một công việc để duy trì visa.
"Thị thực đang trở thành gánh nặng, đặc biệt những người mới ra trường", cô nói và cho biết đã nộp hồ sơ vào hơn 20 công ty nhưng đều không có kết quả. Toàn ngành công nghệ đang cắt giảm nhân sự, trong khi kỹ sư Việt, dù tài năng, vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các kỹ sư từ Trung Quốc, Ấn Độ và với nhân sự bản địa.
Với ba năm kinh nghiệm, Hồng Anh dự định tìm đến một số công ty nhỏ, chấp nhận mức lương thấp để tiếp tục ở Mỹ. Hiện không có thống kê cụ thể về số kỹ sư Việt mất việc trong đợt cắt giảm lịch sử ở Thung lũng Silicon, nhưng một số người có kinh nghiệm dự đoán con số lên đến hàng nghìn người, tính riêng trong lĩnh vực công nghệ.
Tài Nguyễn, kỹ sư phần mềm tại Meta, chia sẻ ngay cả những người may mắn chưa bị cắt giảm như anh cũng đang lo lắng và chuẩn bị sẵn kịch bản cho mình. Theo anh, nếu có gia đình ở Mỹ, nhưng chỉ một người có visa H-1B, còn người kia đi theo diện bảo lãnh sẽ là áp lực lớn. "Nếu không tìm được việc mới trong 60 ngày, không chỉ người bị sa thải mà cả gia đình phải khăn gói rời Mỹ", anh nói và đánh giá trong hơn 15 năm sinh sống ở nước này, đây là đợt cắt giảm tồi tệ nhất anh từng chứng kiến.
Những kỹ sư Việt không may mắn bị sa thải đang đứng trước ba lựa chọn. Đầu tiên, họ phải nhanh chóng tìm công việc mới để chạy đua với thời hạn visa H-1B. Họ thường tìm đến những công ty có quy mô vừa và nhỏ để dễ xin việc hơn. Nếu còn độc thân, họ có thể "gia hạn giấc mơ Mỹ" bằng cách chuyển sang visa du lịch B-2 để tiếp tục tìm kiếm cơ hội.
Nhóm thứ hai là người mới rời ghế nhà trường như Hoàng Tú. Anh định quay lại giảng đường để gia hạn visa, vừa nâng cao kiến thức vừa chờ cơ hội. Với khoản tiền tiết kiệm và đền bù từ công ty, anh có thể tiếp tục việc học hơn một năm nữa. Tuy nhiên việc nộp hồ sơ, chọn trường cũng không đơn giản vì các vòng phỏng vấn, xét duyệt cũng đang ngày một khó hơn.
Nhóm thứ ba quyết định quay về Việt Nam hoặc các nước trong khu vực như Singapore. Hồng Anh cho biết, nếu đến hạn chót nhưng chưa có được việc như ý, cô sẽ về Việt Nam nghỉ ngơi, sau đó tìm việc ngay tại quê nhà.
Làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ đang càn quét Thung lũng Silicon. Từ các công ty khởi nghiệp đến những tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Meta, Amazon... đều thông báo cắt giảm nhân sự. Ước tính chỉ trong tháng đầu năm 2023, đã có hơn 150.000 nhân sự công nghệ tại Mỹ mất việc. Trong khi một số lạc quan về khoản bồi thường vài tháng lương, không ít kỹ sư - những tài năng đến Mỹ theo diện visa H-1B - chịu áp lực kép: mất việc, visa hết hạn.
Báo cáo từ Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021, có khoảng 407.000 hồ sơ H-1B được phê duyệt, trong đó đa số là công dân châu Á. Nhóm quốc tịch Ấn Độ chiếm 74,1%, Trung Quốc 12,4%, số còn lại thuộc về các quốc gia khác. Trong khi Việt Nam có thể trở thành điểm quay về của nhiều tài năng công nghệ, tình hình tại Trung Quốc khó khăn hơn. Theo SCMP, kỹ sư Trung Quốc nói họ không có ý định trở về do giá nhà ở đắt đỏ, lịch làm việc 996 áp lực và ngay cả thị trường công nghệ trong nước cũng đang đối mặt nhiều khó khăn.