Trong năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) lập đỉnh lịch sử gần 207.500 tỷ đồng vào ngày cuối tháng 6. Đến cuối quý IV, tổng tài sản giảm còn khoảng 170.300 tỷ đồng, tương ứng hao hụt 37.200 tỷ.
Tổng nợ phải trả của Hòa Phát cũng đi xuống tương ứng trong 6 tháng cuối năm 2022, từ gần 107.600 tỷ đồng còn hơn 74.200 tỷ. Biểu đồ bên dưới cho thấy tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản giảm từ 51,8% vào ngày 30/6 xuống 43,6% tại ngày 31/12/2022. Đây là tỷ lệ nợ thấp nhất của Hòa Phát kể từ cuối quý II/2018.
Nếu so với đầu năm 2022, nợ phải trả giảm hơn 13.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/tài sản giảm 5,5 điểm %.
Vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) của Hòa Phát cũng lập đỉnh vào cuối quý II/2022 rồi đi xuống theo xu hướng chung của nợ phải trả. Cụ thể, giá trị nợ vay ngắn hạn giảm hơn 9.800 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm ngoái, nợ vay dài hạn cũng bớt đi khoảng 2.300 tỷ đồng.
Tổng nợ vay giảm 12.100 tỷ đồng trong giai đoạn từ 30/6 đến 31/12/2022, như thể hiện trong thống kê sau đây. Hòa Phát cho biết tập đoàn trả bớt nợ để tránh phát sinh gánh nặng về chi phí đi vay nửa cuối năm. Tỷ trọng nợ vay ngắn hạn trong tổng nợ vay giữ nguyên ở mức 81% trong ba quý vừa qua.
Thời gian trước đây, Hòa Phát vay lượng lớn bằng ngoại tệ do lãi suất thấp hơn so với khi vay bằng USD. Tuy nhiên trong năm 2022, VND mất giá mạnh, đồng thời lãi suất vay USD tăng nhanh hơn so với lãi suất vay VND, mức chênh lệch giữa lãi suất vay USD và vay VND không còn đủ lớn để bù đắp rủi ro tỷ giá nên tập đoàn đã trả bớt nợ bằng ngoại tệ.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Hòa Phát đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 1,3 tỷ USD xuống còn hơn 700 triệu USD. Tỷ trọng vay USD trong tổng nợ vay theo đó cũng giảm từ 44% xuống còn 29%.
Thị trường ngoại hối biến động thất thường là một trong những rủi ro lớn với Hòa Phát. Tỷ giá USD/VND duy trì ở mức khá ổn định trong năm 2021 nhưng tăng mạnh kể từ tháng 3/2022. Tỷ giá lập đỉnh lịch sử gần 24.900 đồng/USD vào tháng 11, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Đến tháng 12, tỷ giá giảm sâu về khoảng 23.500 đồng/USD.
Hoạt động của Hòa Phát có đặc điểm là nguyên vật liệu chủ yếu đến từ nhập khẩu, sản phẩm đa phần tiêu thụ trong nước, có nợ vay nước ngoài đáng kể. Những nhân tố này khiến tập đoàn luôn luôn có phải trả nguyên tệ USD ròng.
Trong điều kiện tỷ giá tăng, Hòa Phát đối mặt rủi ro cao về thua lỗ từ chênh lệch tỷ giá và ngược lại.
Trong quý IV/2022 khi tỷ giá hạ nhiệt, Hòa Phát ghi nhận 1.080 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá, đồng thời hạch toán 718 tỷ đồng chi phí tài chính từ lỗ chênh lệch tỷ giá. Nói cách khác, tập đoàn lãi 361 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá thuần trong quý IV, chưa đủ để bù đắp khoản lỗ thuần hơn 1.000 tỷ đồng mỗi quý trong quý II và III/2022.
Tổng cả năm 2022, Hòa Phát lỗ ròng hơn 1.860 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cũng như chưa thực hiện.
Lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 7 lần nâng lãi suất liên tiếp thêm 425 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất lên mức cao nhất 15 năm.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất điều hành ổn định trong gần 9 tháng đầu năm rồi sau đó nâng lên hai lần vào ngày 23/9 và 25/10 thêm tổng cộng 200 điểm cơ bản (tức 2 điểm %).
Vào năm 2021, lãi vay và dư nợ biến động tương đồng nhau do lãi suất đi ngang. Đến nửa cuối năm 2022, hai chỉ tiêu này thay đổi ngược chiều nhau. Cụ thể, chi phí lãi vay quý IV là 933 tỷ đồng, tăng 30% so với quý II cùng năm mặc dù dư nợ vay đã giảm 17%.