Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) cho thấy doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu từ bán trái cây giảm tới 63%, còn bán mủ cao su giảm 24%.
Do kinh doanh dưới giá vốn nên công ty lỗ gộp gần 465 tỷ đồng quý IV/2022. Trừ đi các chi phí, HNG lỗ sau thuế 2.793 tỷ đồng, trong đó lỗ thuần là 555 tỷ, còn 2.127 tỷ đồng là lỗ do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây, 110 tỷ đồng là lỗ khác.
Theo HNG, những nguyên nhân khiến công ty thua lỗ bao gồm, ảnh hưởng của cơn bão Noru tại thời điểm cuối tháng 9/2022 và tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào, dẫn đến sản lượng thu hoạch chuối giảm 68% so với cùng kỳ quý IV/2021.
Bên cạnh đó, giá mua phân bón so với cùng kỳ tăng 35%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 18%. Cước phí vận chuyển tăng 9% (từ 2.198 USD/Cont tăng lên 2.390 USD/Cont) so với quý IV/2021. Ngoài ra, công ty thực hiện rà soát lại sổ sách kế toán, ghi nhận chi phí chuyển đổi các vườn cây năm 2020 trở về trước chưa hạch toán bao gồm vườn cây cao su, cọ dầu và cây ăn trái với tổng chi phí 2.127 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của HNG đạt 742 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2021. Công ty lỗ sau thuế 3.566 tỷ, tăng mạnh so với mức lỗ năm trước đó là 1.119 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế tính đến hết năm 2022 của HNG lên 6.993 tỷ đồng. Năm 2022, HNG đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.731 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.713 tỷ.
Hồi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Chủ tịch Trần Bá Dương dự kiến lỗ lũy kế đến năm 2023 (bao gồm 1.600 tỷ đồng chuyển đổi vườn cây cho sang năm) của HNG sẽ khoảng 7.773 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 1.170 tỷ. Như vậy lỗ dự kiến khoảng 6.600 tỷ năm 2023.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện kế hoạch năm 2022, cố gắng có lợi ích trong sản xuất kinh doanh”. Chắc chắn sau khi chúng ta giải quyết dứt điểm các vấn đề đang bị “treo” thì năm 2024 sẽ có được lợi nhuận tương đối khả quan hơn, ông Dương chia sẻ.
HNG cũng vừa công bố kế hoạch năm 2023 với sản lượng 118.529 tấn trái cây, tương ứng doanh thu 1.586 tỷ đồng.
Tổng đầu tư dự kiến 1.973 tỷ đồng, cho các hạng mục cây ăn trái 370 tỷ đồng. Đầu tư máy móc thiết bị 60 tỷ và đầu tư 440 tỷ cho việc trồng mới, chăm sóc vườn cây. Với chăn nuôi bò, công ty bước đầu tiên triển khai đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình bán chăn thả với quy mô 14 cụm chuồng trại và nhập 14.000 con bò sinh sản, tổng mức đầu tư dự kiến 1.055 tỷ đồng. Còn với sân bay Nong Khang, HNG tiếp tục đầu tư hoàn thiện với tổng giá trị đầu tư dự kiến 48 tỷ đồng.
Vay nợ hơn 7.300 tỷ
Tính đến hết năm 2022, quy mô tài sản của HNG giảm gần 10% về 12.688 tỷ đồng, tức giảm hơn 1.300 tỷ so với đầu năm. Nguyên nhân chính do chi phí xây dựng dở dang đi xuống, trong đó chi phí phát triển vườn cây cao su giảm hơn 1.200 tỷ. Khoản tiền mặt của HNG chỉ khoảng 28 tỷ.
Hàng tồn kho của HNG tăng nhẹ 100 tỷ so với đầu năm lên 1.666 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn 1.254 tỷ, không chênh quá nhiều so với ngày 1/1, bao gồm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 86 tỷ.
Tính đến hết quý IV, HNG chỉ rót vốn vào một công ty liên kết với số tiền 330 tỷ đồng. Đây là CTCP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng chuyên kinh doanh cây ăn trái.
Quy mô nợ vay của HNG tại cuối năm 2022 là 7.347 tỷ đồng, tập trung nhiều ở vay ngắn hạn, tăng thêm 1.483 tỷ, tức tăng 25% so với ngày đầu năm. Trong đó, số dư vay nợ từ Công ty mẹ CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) là 3.116 tỷ, từ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là 1.513 tỷ.
Tính đến hết tháng 12/2022, số lỗ lũy kế 6.993 tỷ và chênh lệch tỷ giá hối đoái 2.218 tỷ đã kéo vốn chủ sở hữu của HNG xuống 49% còn 3.044 tỷ đồng.