Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch giằng co, kết phiên 12/11, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 0,63 điểm để đóng cửa ở 1.056,39 điểm, chỉ số HN-Index cũng chỉ tăng 0,27 điểm đóng cửa ở mức 211,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số Upcom-Index giảm 0,18 điểm để đóng cửa ở mức 72,19 điểm.
Thị trường rơi vào trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng" khi chỉ số tăng nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại chiếm ưu thế. Hôm nay có 222 mã đóng cửa dưới tham chiếu, còn cổ phiếu tăng chỉ 156 mã.
Dù vậy, phiên 12/1 chứng kiến mức tăng ấn tượng của cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt với mức tăng kịch trần để đóng cửa ở mức giá 29.400đ/cổ phiếu.
Tài sản của ông Doãn Tới vượt 2.100 tỷ đồng nhờ đà tăng ấn tượng của cổ phiếu ANV
Đà tăng mạnh này giúp ANV chấm dứt chuỗi 2 phiên giảm nhẹ trước đó và là phiên tăng mạnh thứ 6 trong chuỗi 8 phiên giao dịch gần nhất của mã cổ phiếu này.
Đà tăng của ANV không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông doanh nghiệp những ngày cận Tết, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Doãn Tới ghi nhận mức tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, với việc đang trực tiếp sở hữu gần 72 triệu cổ phiếu ANV, khối tài sản của cử nhân 69 tuổi này ghi nhận mức tăng thêm hơn 136 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 12/1.
Với đà tăng này, khối tài sản của ông Tới ghi nhận vượt mức 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, tính theo giá thị trường, khối tài sản Tổng giám đốc ANV đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 2.111 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật về ngành cá tra mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá triển vọng khả quan với kết quả kinh doanh của Nam Việt. VCBS dự báo, doanh thu cá tra của ANV cho năm 2022 và 2023 sẽ tăng trưởng lần lượt là 22% và 9% so với cùng kỳ, đem về lợi nhuận lần lượt là 642 và 693 tỷ VND cho doanh nghiệp.
Sau những phiên giao dịch giằng co của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần (13/1), chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể duy trì dao động đi ngang, ít nhất trong phiên sáng để kiểm định kháng cự phía trên tại 1.060 điểm và hỗ trợ MA5 phía dưới tại 1.055 điểm. Nếu không có sự gia tăng về thanh khoản cũng như từ phía bên mua hoặc bán, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang cho đến cuối ngày.
Ngược lại, nếu một trong 2 kháng cự 1060 hoặc hỗ trợ MA5 tại 1.055 bị phá vỡ với thanh khoản đủ mạnh, VN-Index có thể sẽ tăng lên vùng 1.085 điểm (MA100) hoặc giảm xuống hỗ trợ MA10 và MA20 ở vùng 1.035-1.045 điểm. Khi đó, các tín hiệu xu hướng có thể sẽ được hình thành một cách rõ nét hơn.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.060–1.065 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.050–1.055 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.040–1.045 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK MB (MBS) cho rằng thị trường vẫn trong trạng thái “rang nhỏ lửa” khi dòng tiền nội “nghỉ tết sớm”, thanh khoản bình quân tuần này chỉ quanh mức 10.000 tỷ đồng, giảm 13% so với tuần trước và chỉ bằng 1 nửa so với mức thanh khoản năm 2022. Tuy vậy, cơ hội đầu tư vẫn đến ở những nhóm cổ phiếu cụ thể khi dòng tiền xoay vòng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đi ngang nhưng nhiều nhóm cổ phiếu vẫn có mức tăng tốt như nhóm đầu tư công, dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm, … cho thấy khả năng thị trường đang trong quá trình tích lũy để chờ thời điểm bứt phá. Do vậy, nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.064 điểm.