Trong không khí sôi động của những ngày cuối năm, điều mà hầu hết mọi người đi làm đều mong chờ chính là thưởng Tết. Thưởng Tết không chỉ mang ý nghĩa là sự đánh giá, ghi nhận công sức lao động một năm qua của người lao động, mà còn thể hiện sự quan tâm của công ty đối với nhân viên. Đó cũng là dịp để mọi người cảm thấy được trân trọng và thấy rằng những nỗ lực của họ đã được công nhận một cách xứng đáng.
Thưởng Tết thường dựa vào hiệu quả công việc, thành tích và đóng góp của mỗi cá nhân trong suốt năm. Đối với nhiều người, số tiền thưởng này không chỉ hỗ trợ họ trong việc chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán truyền thống, mà còn giúp họ thực hiện các kế hoạch cá nhân hoặc gia đình, từ việc mua sắm, du lịch cho đến việc đầu tư hay tiết kiệm.
Thường thì khoản thu nhập cuối năm này khá là lớn so với thu nhập hàng tháng. Mỗi người đều có kế hoạch chi tiêu riêng cho mình và có thể là không ai giống ai. Hải Yến - 1 cô gái 31 tuổi đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội lại có kế hoạch sử dụng số tiền lương thương này khá đặc biệt.
Hải Yến độc thân và đang sống cùng với bố mẹ, cô chia sẻ rằng Tết cô không phải góp chi phí gì cho gia đình vì bố mẹ cô vẫn còn khá trẻ và nhìn chung thì quan điểm ăn Tết của cả nhà cô là thật tối giản, nghỉ ngơi là chính, không cầu kỳ phức tạp.
Đi làm từ năm 24 tuổi đến nay đã là 7 năm nhưng cô chưa từng phải lo lắng Tết đến Xuân về sẽ chi tiêu thế nào. Tuy nhiên, khoảng 4 năm gần đây cô bắt đầu có kế hoạch để sử dụng số lương thưởng Tết của mình.
Cô chia sẻ rằng nếu kể ra thì nhiều người nói rằng mình tiêu xài phung phí nhưng thực chất với cô những khoản chi này hoàn toàn phù hợp và xứng đáng.
Năm thứ 1, cô chi khoảng 20 triệu/28 triệulương thưởng Tết cho việc mua 1 chiếc điện thoại mới.
Công việc của cô khá đặc biệt khi gần như phải làm việc online liên tục. Thậm chí có khi nửa đêm cũng phải bật dậy để sử dụng điện thoại giải quyết công việc.
Mặc dù đúng là bỏ gần hết tiền Tết ra chỉ để mua 1 cái điện thoại nhưng chiếc điện thoại này chính là "cần câu cơm" của cô.
Năm thứ 2, cô chi 52 triệu/57 triệu lương thưởng Tết cho việc mua máy tính xách tay.
Tương tự như câu chuyện mua điện thoại, do tính chất công việc, việc mua máy tính là điều gần như bắt buộc nhưng thay vì chọn trả góp thì cô cố đợi đến khoản tiền Tết cuối năm để không phải làm các thủ tục rườm rà vay mượn.
Năm thứ 3, cô chi toàn bộ số lương thưởng Tết là 70 triệu đồng cho việc mua xe máy mới.
Phương tiện đi lại là thứ không thể thiếu. Chiếc xe cũ của cô tuy vẫn còn sử dụng tốt nhưng do em trai cô năm đó bắt đầu vào học đại học nên thay vì để bố mẹ phải bỏ tiền ra mua xe mới cho em trai. Cô quyết định tự mình mua xe và để lại chiếc xe bố mẹ mua cho mình để em trai tiếp tục sử dụng.
Năm thứ 4, với thu nhập Tết 48 triệu đồng, cô đã dùng toàn bộ vào việc mua máy ảnh, thậm chí còn phải trích thêm từ khoản tiết kiệm mới đủ để trả cho chiếc máy ảnh này.
Để phục vụ cho công việc của mình thì máy ảnh là thứ không thể thiếu với Yến. Chiếc máy ảnh này cho đến hiện tại vẫn hoạt động hết công suất để giúp Yến hoàn thành công việc của mình.
Yến không phủ nhận tất cả những thứ cô mua đều là tiêu sản và có khi chỉ vài năm nữa thôi cô lại tiếp tục vòng lặp mua điện thoại, máy ảnh, máy tính, xe cộ mới. Bố mẹ cô thì hiểu công việc của con gái nhưng họ hàng mỗi dịp Tết về đều nói xa nói gần rằng con gái đi làm chẳng tích lũy được gì chỉ thấy mua sắm hết cái này đến cái khác. Thế nhưng Yến không bận tâm cho lắm, với cô tiền thưởng Tết cũng chính là 1 khoản đầu tư và những thứ cô đã mua là những khoản đầu tư đúng đắn, thiết thực.